Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2007

Thợ sửa điện tử bằng miệng


Trên đường từ thị xã Trà Vinh đi xuống huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh ) vừa qua cầu Vĩnh Kim nhìn về bên trái có tấm bảng “ÚT ĐIỆN TỬ”. Đó là tiệm sửa chữa điện tử của anh Lê Văn Hiếp 48 tuổi, số nhà 3A, ấp Chà Và, xã Vĩnh Kim (Cầu Ngang,Trà Vinh)


Anh sinh ra trong gia đình có tới 10 anh em, vừa lúc mở mắt chào đời đã mang dị tật, hai chân, hai tay teo nhỏ, co quắp dị dạng. Tuổi thơ đến với anh là những ngày cực nhọc. Út Hiếp tâm sự : “ Cha mẹ cố gắng cho tôi đến lớp 7, so ra với các anh thì tôi may mắn hơn, suốt thơi gian đi học được cha mẹ và các anh thay đổi cõng tôi đi”.

Riêng anh chỉ xê dịch qua lại bằng cách dùng hai bàn chân lật ngược, hai mu bàn chân tiếp xúc với mặt đất.

Động cơ nào đưa anh đến với nghề sửa chữa điện tử, một nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ chính xác, trong khi hai tay anh không cử động được?

-Hồi nhỏ tôi suy nghĩ nhiều lắm, đi xin ăn thì không làm được. Còn muốn học một nghề gì đó phải tốn tiền trong khi gia đình tôi nghèo hơn nữa thân thể dị dạng tật nguyền của tôi chẳng ai nhận cho học.

Với ý chí vượt lên nghiệt ngã, với ước mong tự tìm cho mình một nghề để nuôi bản thân. Thế rồi, cơ may đến với anh, một người anh bà con học nghề vô tuyến điện ở TP Hồ Chí Minh về, Lê Văn Hiếp tìm đến mượn tài liệu về nhà tự học. Với lòng đam mê Hiếp đã kiên trì mày mò học hỏi. Nhờ sáng dạ và toàn tâm toàn ý, anh tiếp thu nhanh, ngoài ra anh nhờ bạn bè thương tình chỉ thêm cho bí quyết. Đời không phụ lòng anh, từ từ anh trở thành một thợ sửa chữa điện tử giỏi trong vùng.







Hiếp vui vẻ kể : “Cuộc sống của tôi là chuỗi ngày học hỏi không ngừng, khi đã thuộc lý thuyết về sửa chữa, thân thể tôi có nhiều khiếm khuyết, tôi phải học cách dùng bàn chân và miệng để thay thế đôi tay. Mới đầu thật khó khăn, vất vả, làm gì cũng lúng túng, nhưng với ước mong tự lập từ từ tôi tập quen dần, chức năng miệng và chân thay cho tay hầu hết mọi công việc như sử dụng chì hàn, chỉnh máy, cầm kim đo máy, miệng cắn mỏ hàn trong vị thế nào để hàn chính xác. Tôi luôn chăm bồi nghề nghiệp, phải học tên những linh kiện điện tử, những cách sử dụng băng, đĩa, máy truyền hình đời mới vì sợ nghề mình lỗi thời, lạc hậu rồi bị đói. ”

Chị Nguyễn Thị Đèo, người vợ đã chung sống 25 năm, rất thương anh, sẵn sàng chia sẻ niềm vui nỗi buồn, động viên an ủi anh trong cuộc sống cũng là nguyên nhân để anh thành thợ giỏi hôm nay, tiếc là hai người chưa có tíếng khóc trẻ thơ để căn nhà thêm ấm cúng.

Anh tâm sự: - Làm nghề này không có vốn, khó mà khá được, sống qua ngày là may lắm rồi. Có lúc mình cũng thấy hạnh phúc nhìn bà con, khách hàng hân hoan, vui vẻ nhìn mình sửa máy thành công.

Người xưa thường nói “ Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Còn anh Ut Hiếp thì đã 30 năm trong nghề vẫn trắng tay, làm ngày nào sống ngày đó trên căn nhà ăn nhờ ở đậu của bà con tốt bụng.
Ngoài những giờ lao động trí óc căng thẳng mệt mỏi, cây đàn guitar phím lõm là người bạn giải buồn của anh. Mỗi lần anh đàn, cây đàn để nằm, bàn chân ấn lên phím đàn thuần thục, bàn tay gảy dây đàn tạo nên âm thanh dìu dặt lôi cuốn lòng người.

Mặc dù anh cố gắng vượt bậc, nhưng vốn liếng không có nên cuộc sống nghèo khó vẫn đeo bám theo anh, tay nghề của anh mai đây dần dần đi vào mai một. Vì hiện nay, cuộc sống hiện đại văn minh, nhất là những sản phẩm nghe, nhìn. Hư ở bộ phận nào thì người ta thay thế bộ phận đó, trong khi anh không bán dụng cụ, linh kiện mà chỉ sửa chữa bằng lối xưa đã lỗi thời. Anh Hiếp vượt lên số phận tật nguyền, có một nghị lực phi thường, cần mẫn học hỏi để tự nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng cuộc sống hiện nay anh gặp quá nhiều khó khăn. Mong sao các cơ quan, đoàn thể tạo điều kiện giúp anh để bớt phần nào khó khăn.

Không có nhận xét nào: