Thứ Năm, 18 tháng 10, 2007

Ông già mù với nghề đốn cây mướn

Ngày ngày, người đàn bà tay cầm cưa, tay xách giỏ đồ nghề đi trước, người đàn ông đi sau, vai mang cuộn dây thừng, bàn tay đặt trên vai người đàn bà. Họ lặng lẽ đi, về bên nhau gần 40 năm, từ khi ông còn là một thanh niên, nay đã 71 tuổi…





Bà con ở phường Bình Thủy, không ai lạ gì ông Tám mù, bởi ông bị mù cả hai mắt. Đã mù còn làm nghề đốn cây, đào gốc, cưa cây, hái dừa, những cái nghề đòi hỏi đôi tay khéo léo và đôi mắt tinh tường…

Tên của ông là Lê Văn Hòa, ở cuối hẻm 5, số nhà 52/6 Bùi Hữu Nghĩa, Phường Bình Thủy, TP Cần Thơ, tỉnh Cần Thơ. Gương mặt nhiều nếp nhăn, hai hố mắt trũng sâu, dáng người khắc khổ nhưng các cơ bắp vẫn còn rắn chắc. Ông Tám bộc bạch: “Tui mù năm 15 tuổi, hồi đó nhà nghèo lắm, phải đi giăng câu phát mướn, giăng câu bằng mồi con trùn, tối trời nên móc trùn vào lưỡi câu, nước dịch ở trùn bắn vào mắt nhiều lần, gây ngứa ngáy chảy nước mắt, đau nhức, rồi mờ dần và mù hẳn vào năm 1946”.

Đôi mắt không còn thấy ánh sáng, nhưng gian khổ, đói rách thì vẫn nguyên vẹn, buộc ông phải lao động kiếm sống. Số phận đưa đẩy ông Tám chọn cái nghề đốn cây, bẻ dừa… Ông Tám chậm rãi nói: “Cháu ơi! Bác tưởng mình mù lòa làm việc này tạm bợ, ai ngờ như có nợ với nhau, đeo đẳng từ lúc chưa sinh đứa con gái, nay nó đã 38 tuổi…”.

Trước đây ông đã có một đời vợ, người đàn bà sinh xong đứa con gái rồi ẵm con đi biệt, đau khổ vì thương nhớ vợ con, nhưng mắt mù không thể đi tìm. Người bạn đời sau này, gắn bó để chia sẻ với ông là bà Nguyễn Thị Tám, nay cũng đã 66 tuổi. Người chồng trước kia của bà Tám là liệt sĩ, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bà Tám kể lại, khi chồng bà hy sinh, bà vừa làm dâu vừa nuôi con, được ba năm thì cha mẹ chồng đứng ra gả bà cho ông Tám Hòa. Lúc đó bà 28 tuổi. Hai người chung sống cho đến ngày hôm nay, bà vừa là vợ vừa là người dẫn đường, dìu ông đi, về gần 40 năm trong nghề đốn cây. Bà Tám kể lại những khó khăn, cực khổ mà ông Tám nuôi dưỡng đứa con riêng của bà từ sáu tuổi đến năm 18 tuổi thì cưới vợ cho nó. Nay con bà đã 48 tuổi, còn hai ông bà chung sống với nhau có bốn con, hai trai hai gái. Tôi hỏi ông: “Nghề đốn cây, với đôi mắt không thấy gì, có lúc nào nguy hiểm không?”. Ông Tám không cần nghĩ ngợi trả lời: “Nhiều lắm, nhưng có hai lần, quên thì thôi, nhớ lại không khỏi rùng mình sởn gáy…”. Ông Tám đốt điếu thuốc, hít hơi dài chậm rãi kể: “Năm đó tôi 51 tuổi, đốn cây so đũa to và cao trên 16 mét. Khi tôi bứt khúc ngọn ở độ cao chừng 11 mét, sợi dây buộc ngọn cây bị vuột, như đòn bẩy bung lên, bắn tôi cao từ 11 mét rơi xuống đất. Nhờ ơn trời nâng đỡ sao đó, tôi không bị thương gì nặng chỉ uống mấy viên “Trật đả hoàn” rồi lại đi làm. Lần khác, thằng cháu leo lên tiện khúc đọt dừa, tôi đã nhắc nó đốn một mé, cột dây xong mới đốn mé đối diện. Nhưng nó cãi tui, chẳng chịu cột dây. Khi nó la lớn thì khúc dừa đã gãy lìa. Tui mù đâu thấy đường mà chạy, liều đứng một chỗ, khúc dừa rơi cào mạnh vào lưng, tôi chúi mũi đằng trước, nguyên cả lưng trầy nát. Chỉ cần nhích tới một chút là cái đầu tôi dẹp lép rồi…”.

Ông Hòa thở dài nói tiếp: “Nghề này gian nan vất vả lắm cháu ơi, có lúc nhiều ổ ong vò vẽ đóng trên cây, mấy người sáng mắt họ biết nên không nhận làm, bác mù không thấy, như người điếc đâu còn sợ súng, có lúc leo lên đốn cây, ong đốt buông lỏng chân tuột ào xuống gốc cây, về nhà sốt hai ba ngày. Chao ôi ! Cái nghề cực khổ, nguy hiểm. Có điều đáng mừng là trong mấy mươi năm làm nghề, nhiều lúc đốn những cây to lớn, hay những cây sát cạnh nhà người ta đều an toàn không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Bây giờ chuyện ong đốt đối với ông Tám là chuyện bình thường, ông đã chai lì dần trước cảm giác những nỗi đau thể xác. Ông Tám vừa cười vừa nói: Người ta nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” mà tôi chẳng thân vinh chút nào. Cái nghề đốn cây, tay rời cây cưa, cây búa là đói, là phải lo đi làm. Vả lại lao đọng quen rồi, ở nhà chịu không nổi. Cũng nhờ ơn trời tôi còn khoẻ mạnh lắm. Những công việc như bửa củi, đào gốc, hái dừa tôi đều làm hết. Bẻ một cây dừa là 2000 đồng, đào 1 gốc cây tùy thuộc vào lớn nhỏ giá từ 80000 đồng – 120000 đồng. Cưa cây củi thước từ 30000 đồng – 50000 đồng một thước cây”.

Ông Tám thở dài giọng buồn buồn: “ Nhiều năm rồi bác chưa một lần may quần áo, quanh năm quần quật chỉ mặc chiếc quần lồng, làm được bao nhiêu tiền thì lo cho con, cho cháu”.

Ông kể đứa con trai út 27 tuổi, chẳng lo làm ăn, rượu chè bê tha rồi ẩu đả, rốt cuộc đi cải tạo ở Bến Giá (Trà Vinh). Bây giờ bỏ con không đành mà ôm con không nổi. Hai vợ chồng già nhịn ăn, nhịn uống, chắt chi hai ba tháng thăm nuôi bới xách một lần, có dè xẻn cũng mất bốn, năm trăm ngàn đồng. “ Mấy anh chị con ông bà có giúp đỡ gì không?”, tôi hỏi. Bà Tám chậm rãi nói: “ Con đứa nào nó cũng nghèo, mong sao nó nuôi được bầy con nó là mừng rồi, nghe nói nhà nước sẽ cấp cho tôi nhà tình nghĩa…”

Từ giã ông Tám ra về mà lòng nạng trĩu, ước mong sao ông được những vòng tay nhân ái giúp cho ông để tuổi già tránh bớt rủi ro.

Không có nhận xét nào: