Thứ Ba, 16 tháng 10, 2007

Khát vọng sống của một số phận khổ đau


Số 91/31 đường 30 tháng 4, phường Hưng Lợi (TP Cần Thơ) là nhà cô Chủ nhiệm Bùi Thị Hồng Nga kiêm văn phòng liên lạc của CLB Khuyết tật tỉnh Cần Thơ. Căn phòng riêng êm ả, cô Phan Thị Lượm ngồi thêu trên chiếc xe lăn. Mỗi khi tác phẩm hoàn thiện, cô luôn được mọi người trầm trồ khen ngợi. Cô cho biết: “Được ngồi thêu nơi đây, tâm hồn thanh thản là điều hạnh phúc diệu kỳ với em”. Cô tâm sự, giọng nhỏ nhẹ nhưng tôi bàng hoàng nhận ra trước mắt mình là một số phận kỳ lạ, đầy đau khổ bầm dập, mãnh liệt khát vọng vươn lên.


Lượm kể: “Tôi là đứa con thứ 7 trong gia đình 7 anh chị em. Lúc lên năm tuổi, cơn sốt bại liệt quái ác làm cho đôi chân tàn phế, phải lết chứ không đi bằng tó được và cũng từ đó tôi là đứa con kém may mắn trong gia đình. Việc đi lại quá khó khăn, năm 11 tuổi học đến lớp 2, tôi nghỉ học”.
Những ngày tháng nằm ở nhà, cảm giác của người vô dụng, ăn bám hành hạ cô. Lượm muốn xin đi học một nghề nào đó, nhưng gia đình nghĩ Lượm chẳng làm được việc gì. 16 tuổi, cô đi học nghề thêu. Một lòng quyết tâm học hỏi, với sự thông minh vốn có, chỉ 10 ngày cô tự thêu được. Hàng cô nhận thêu đạt kết quả tốt. Qua thời gian 5 tháng trong nghề thêu, cô quyết sống tự lập nên bỏ nhà ra đi.


Lượm lên TP Hồ Chí Minh xa lạ. Đơn độc, đói cơm khát uống, cô ngồi bên lề đường ôm mặt khóc. Đến chiều tối, có một người đàn ông đến hỏi thăm. Ông tên là Phan Bá Vinh – Phó giám đốc xưởng thêu xuất khẩu mặt hàng trắng cho Hà Nội. Biết cô gái tật nguyền biết thêu, ông cho về nhà ở, nhận làm con nuôi và cho cô đi làm.


Ăn ở tại nhà cha nuôi và đi làm nghề thêu được hai năm. Cha nuôi được vợ bảo lãnh đi Úc. Khi đi, ông chia gia tài lại cho em trai ông 5 phòng, chia cho Lượm 1 phòng ở quận Tân Bình. Người em trai của ông cha nuôi tìm mọi cách gây khó khăn. Biết không thể ở, Lượm trả lại căn phòng ra đi.
18 tuổi Lượm trở lại gia đình, theo cha lên Trung tâm chỉnh hình mổ đôi chân. Nằm chữ trị một năm, hai chân mổ 4 lần nhưng vẫn không đi lại được và càng ngày càng teo nhỏ lại.


21 tuổi, Lượm lại làm một cuộc ra đi mới để mưu sinh. Lần này cô ra đảo Phú Quốc với ý định nương nhờ người cậu. Nhưng ra đến đảo Lượm rất thất vọng vì không như ý nghĩ ban đầu, đành quay lại bến tàu trở về đất liền. Ở đây Lượm gặp chị Nữ, hai người tâm sự. Chị Nữ đã mời Lượm ra nhà chị ở Hòn Mây Rút (tỉnh Kiên Giang) thăm cho biết.


Mặc dù thâm tâm rất lo sợ, nhưng Lượm cũng đánh bạo theo chị Nữ để tìm cuộc sống. Hòn đảo nhỏ chỉ có mười mấy gia đình sinh sống, xung quanh bốn bề là biển cả mênh mông. Đời sống của họ êm đềm, ngư dân hiền lành, chất phác và họ mù chữ.


Lượm được gia đình chồng của chị Nữ là ông Châu Văn Bi cảm thông và thương mến, nhận làm con nuôi trong gia đình 9 người con trai. Công việc của Lượm là làm sao truyền bá cái chữ cho bà con trên hòn. Tuy học chỉ đến lớp hai, vậy mà chưa đầy bốn tháng đốt đèn dạy học, bà con trên hòn biết đọc, biết viết. Họ đã tổ chức buổi tiệc ăn mừng thoát “dốt”.


Ở đó, Lượm rất được mọi người tin yêu, giúp đỡ. Có một điều làm Lượm buồn là người anh nuôi thứ sáu hay đùa giỡn với tật nguyền của cô, chạm vào vết thương sâu kín trong lòng cô, không chịu nổi, cô lại buồn khổ ra đi.


Lượm nhớ lại: “Những thua thiệt, chán chường đè nặng trong tôi. Bỗng tôi nhớ đến cô bạn gái cùng số phận tật nguyền ở Campuchia, đã điều trị cùng tôi ở Trung tâm chỉnh hình Cần Thơ. Thế là tôi sang Campuchia tìm cô, gặp được cô bạn Phạm Thị Mỹ Thu, mừng quá tôi khóc như con nít”.
Cuộc sống mới của Lượm lại bắt đầu. Ngày ngày cô bán thuốc hút, được bà con thương cảm, thuốc lá bán rất chạy. Trong số khách hàng quen thân, có anh Lê Thành Hùng là người thường hay lui tới thăm hỏi. Hoàn cảnh xa quê, không họ hàng thân thích, nên tình cảm trai gái dễ xích lại gần nhau. Cô cũng biết đôi chân cô teo rút, ngồi lết đi như vịt đẹt, vậy mà mỗi lần gặp anh là tim cô rung lên, cái rung cảm của người con gái làm cô lo sợ. Anh cứ ân cần chăm sóc, thăm hỏi. Cô ấm lòng, được che chở. Dần dần cô xem anh như một phần cuộc sống của cô.


Một ngày, điều cô mơ ước nhưng không dám chờ đợi đã đến. Đó là lời cầu hôn của anh. Phía anh có người anh ruột, phía cô có cha đẻ. Hai người nên vợ nên chồng trên đất người.
Chung sống được tám tháng, cái thai trong bụng Lượm lớn lên. Cô hạnh phúc nhưng thật vất vả. Hai chân như hai khúc mía đong đưa, cái bụng phình tròn, mặt mày xanh xao, hốc hác. Mỗi lần sờ vào bụng, ôi cái sinh linh bé nhỏ, một phần máu huyết của cô sắp sửa chào đời, cô quên hết tật nguyền.


Thế rồi một hôm, chồng cô nhậu say về, anh chỉ vào cô nói: “Cô lo nuôi con chứ tôi đi vượt biên à!”. Anh nói như đùa cợt, thách thức, còn cô đứt từng khúc ruột. Linh tính mách rằng, chồng cô không đùa.


Con tàu đưa anh đi đúng như lời anh nói. Lượm làm sao giữ được anh, ngay cả đôi chân của mình cũng không điều khiển nổi, huống là… Cổ họng cô mặn đắng, đưa tay áp lên bụng, ngồi khóc nức nở. Lượm hiểu rõ rằng, bắt đầu từ hôm đó sự nghiệt ngã tật nguyền trở lại với cô nặng nề, khủng khiếp hơn.


Lượm không đủ can đảm ở lại Campuchia. Hành trang trở về là cái bụng bầu và hai cái đòn ngồi lết. Cô đến thành phố Hồ Chí Minh ở chờ ngày sinh nở tại BV Từ Dũ. Đến ngày sinh, cô phải lên bàn mổ để đưa cháu bé ra, xung quanh cô không một người thân thích. Cô làm tròn nhiệm vụ của người mẹ với bao hiểm nguy và cô đặt tên cho con gái là Phan Thị Hoài Hận, sinh ngày 16/5 Giáp Tý 1984.


Mẹ con Lượm sống ở bệnh viện nhờ vào tình thương của mọi người xung quanh. Khi sinh được một tháng, sức khỏe có phần hồi phục, cô gởi con lại cho bà đỡ, để về quê nhờ mẹ lên ẵm con về. Nhưng về đến quê cô lại bị bệnh, hai tháng sau mới quay trở lại, bà đỡ và con đã biến mất. Bệnh án cũng không tìm được. Vậy là cô mất con.


“Chồng ra đi tôi không giữ được đã đành, con tôi là máu thịt của tôi, tôi cũng không bảo vệ nổi – Lượm chùi nước mắt nhớ lại – Tinh thần của tôi hoảng loạn tột cùng, ý thức mất còn không có ý nghĩa. Qua nhiều ngày lê lết tấm thân tàn tìm con, hy vọng mong manh gặp con tan biến. Tết Trung thu năm 1985, tại căn nhà trọ ở TP Hồ Chí Minh tôi đã uống rất nhiều thuốc ngủ để vĩnh biệt cõi đời. Khi tỉnh dậy, mọi người cho biết tôi đã được súc ruột và nằm phòng lạnh 8 ngày mới tỉnh. Cuộc đời của tôi là bệnh tật, là đổ vỡ, là biệt ly. Khi nhìn con nít nhà ai là lòng tôi quặn thắt và một lần nữa tôi lại uống thuốc để kết liễu đời mình tại công viên bến Ninh Kiều (Cần Thơ). Nhưng hình như tôi còn nợ trần gian quá nhiều nên tôi lại được cứu”.


Lượm quay lên lại TP Hồ Chí Minh, cố gắng kiếm việc làm và có thời gian tìm con. Trong thời gian xin việc, cô bán tất cả thứ gì bán được để mua cơm ăn sống qua ngày. May mắn cho cô, có người chỉ cho công ty thêu hàng Kimono Đài Loan tại đường Trần Phú (Quận 5) đang tuyển thợ thêu. Cô đến thi tay nghề, đạt loại giỏi và làm việc tại đó.


Thêu được 5 năm, con mắt bên phải bỗng nhiên nhìn không rõ, cô đi chữa trị, công ty đài thọ cho 5 tháng lương. Kết quả bệnh án là cô không còn đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc. Trong thời gian này, chồng cô có gởi thư hỏi thăm đứa con. Cô trả lời đứa con bị thất lạc, từ đó không còn tin tức chồng nữa.


Những tháng ngày sau này, bệnh tật vẫn luôn hành hạ thân cô.


Một lần mổ ruột thừa, hai lần mổ bướu độc ở ngực (Viện Pasteur xét nghiệm cho biết). Cơ thể còm cõi của cô tính đến nay đã qua 8 lần mổ và sau này cô thường có bệnh nhức đầu. Nhưng cô vẫn xuôi ngược đi làm tự nuôi thân.


Năm 42 tuổi, Lượm tìm đến CLB Khuyết tật tỉnh Cần Thơ. Ở đây Lượm đã gặp được chị Bùi Thị Hồng Nga – chủ nhiệm CLB – với khuôn mặt hiền hậu, nhã nhặn. Chị đã mở ra một thế giới cho những người không may mắn như Lượm tìm thấy viễn ảnh cuộc sống tươi sáng. Lượm nói: “Chị đã cho tôi biết thế nào là cuộc sống có ý nghĩa. CLB Khuyết tật là cơ sở cho tôi bám víu, chính nó đã vực dậy, đã dập tắt tình trạng hoảng loạn trong tôi cùng với những mảnh đời kém may mắn vươn lên”.


Lượm dừng lời. Khuôn mặt tái xanh, vẻ cam chịu đưa cô chìm đắm sâu vào cõi mông lung cùng ánh mắt nhẫn nhục nhìn xa xăm. Lượm kể về đời cô mà tôi ngỡ như nghe được bao số phận. Tôi hiểu thêm sự khủng khiếp của tật nguyền, nghị lực vươn lên quyết liệt của Lượm, của tình yêu cuộc sống. Tôi nghĩ về 43 thành viên của CLB Khuyết tật Cần Thơ đang chung sống yêu thương, đùm bọc nhau, họ thật yếu ớt mà thật mạnh mẽ.


Mơ ước hôm nay của Lượm là gì? Có 2 mơ ước: Tìm được đứa con và một chiếc xe lăn lắc tay để có thể di chuyển dễ dàng.

Không có nhận xét nào: