Thứ Ba, 23 tháng 10, 2007

Chàng họa sĩ tật nguyền tài hoa

Hồ Hoàn Kiếm, họa sĩ khuyết tật, vẽ ở số nhà 330B đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa (TP Cần Thơ). Mái tóc dài bồng bềnh, khuôn mặt rất nghệ sĩ, ngồi trên chiếc xe ăn, anh cho biết: Anh là nạn nhân chiến tranh, bị thương vào năm 13 tuổi khi đi thăm hai anh trai ở vùng căn cứ cách mạng.

Lúc anh nằm điều trị tại bệnh viện Bạc Liêu, bác sĩ mổ cho biết đám rối dây thần kinh tổn thương, hai chân anh không thể đi lại được. Biết mình suốt đời bị bại liệt, anh rất buồn khổ. Nhờ mọi người trong gia đình lo chạy chữa và thương yêu hết mình nên Kiếm vơi dần nỗi bất hạnh.

Gia đình thấy Kiếm có khiếu về vẽ nên đã tạo điều kiện cho học nghề vẽ. Gia đình rước họa sĩ về nhà dạy vẽ cho anh. Anh học tiến bộ rất nhanh. Gia đình đưa anh vào học khóa hội họa năm 1969 đến năm 1971 tại trường Mỹ thuật Á Châu (TP Sài Gòn cũ).

Trong thời gian này, gia đình vẫn tiếp tục chạy chữa cho anh, nhưng tiền mất tật mang, hai chân càng ngày càng teo nhỏ, anh mất cảm giác từ lưng trở xuống.

Hai người anh trai của Kiếm đều anh dũng hy sinh. Liệt sĩ Hồ Văn Trường mất năm 1969, liệt sĩ Hồ Văn Tòng mất năm 1970, chôn tại nghĩa trang liệt sĩ Hòa Tú (Sóc Trăng).


Rồi cha mẹ qua đời, Kiếm nhờ vào nghề vẽ kiếm tiền sinh sống. Để lấy ngắn nuôi dài, anh vẽ chân dung, truyền thần cho khách. Chính yếu là vẽ tranh sơn dầu trên vải. Đa số tranh của anh vẽ đều nói lên cái đẹp toàn diện của quê hương Việt Nam.

Chúng tôi nhìn vào bức tranh anh đang vẽ người mẹ cho con bú, anh hiểu ý liền nói: - Bức tranh này tên là “Hai dòng phù sa” nói lên sông Tiền và sông Hậu hợp lại tiêu biểu sức sống của người dân hai miền sông nước.





Những bức tranh sơn dầu của anh phần nhiều bán cho người nước ngoài như Đài Loan, Nhật và các nước Tây Âu.

Tranh của anh chất phác, giản dị, thể hiện vẻ đẹp hiền hòa của người con gái Việt Nam như bức tranh cô gái quê mặc áo bà ba xõa tóc, ngồi chằm nón trong bối cảnh thanh bình của quê hương đã thuyết phục rất nhiều khách ngoại quốc. Vị khách Đài Loan đã bỏ cọc tiền mua bức tranh đó. Tranh sơn dầu của anh thường bán giá từ 100 USD đến 300 USD. Những hình vẽ chân dung, truyền thần giá một trăm nghìn đồng.

Thấy tình hình sức khỏe của Kiếm suy giảm, mất ngủ nhiều, nên người anh của anh ở Phần Lan đã gởi về cho anh cái nệm nước.

Anh vui vẻ nói: Nhờ có chiếc nệm, cơ thể cử động xoay trở dễ dàng hơn. Nệm chứa một khối nước, dài 2,4 m, rộng 1,6 m và cao 0,4 m. Trời nực, hơi nước ở nệm tạo cho cảm giác dễ chịu. Khi trời lạnh có điện trở đặt bên trong tạo nên độ ấm.

Căn nhà anh chỉ sống một mình, nên anh đã cho những sinh viên nghèo, trẻ em cơ nhỡ về nương tựa. Nhiều sinh viên tốt nghiệp, có công ăn việc làm, cảm mến cái tình, cái nghĩa vẫn còn ở lại với anh như anh Lê Phước Thọ làm ở Khách sạn Victoria, anh Võ Thái Hệ làm tại Công ty cá ba sa.

- Chuyện tình cảm riêng tư của anh?


Anh cười thổ lộ:

- Cô gái làm người mẫu trong bức tranh cô gái quê xõa tóc ngồi chằm nón, đó là người mà tôi sẽ đến…

Không có nhận xét nào: