Thứ Tư, 24 tháng 10, 2007

Nghị lực của một người khuyết tật



Chị Bùi Thị Hồng Nga, Chủ tịch Câu lạc bộ Người khuyết tật Cần Thơ đã giành 1 trong 15 giải chính thức cuộc thi “Ngày sáng tạo Việt Nam” tại Hà Nội do Ngân hàng Thế giới tổ chức, được thưởng 10.000 USD để thực hiện dự án dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật tại Cần Thơ.


Đã 45 tuổi, đi lại bằng nạng gỗ nhưng trên khuôn mặt phúc hậu của chị luôn nở nụ cười trẻ trung và ánh mắt ấm áp thể hiện một nghị lực mạnh mẽ. Cơn sốt bại liệt lúc 8 tháng tuổi làm cho đôi chân trở nên tật nguyền, tuy nhiên, hồi nhỏ chị còn bước nhúc nhắc đến trường được dù đã phải dựa vào nạng gỗ. Năm 24 tuổi (1982), chị tốt nghiệp Đại học sư phạm Anh văn, đi dạy ở trường PTTH Nguyễn Việt Hồng, TP Cần Thơ. Đến năm 1989 thì hai chân teo hẳn sau một lần… mổ chân ở bệnh viện trên thành phố Hồ Chí Minh và phải về hưu non vì thiếu sức khỏe. Lúc đó, Hồng Nga đã nghĩ đến cái chết nhưng chị chưa thể chết là vì người thân, bạn bè. Suốt ngày âm thầm một bóng, chiếc radio là người bạn chân tình cùng chị sống trong những ngày khốn khó, chị không ngờ đó lại mở ra cho chị con đường đi vào cuộc sống mới: “Trao đổi thư từ với những người khuyết tật qua mục kết bạn. Dần dần “đứng dậy” tìm lại niềm vui cuộc sống”. Năm 1990, hạnh phúc lớn lao đến với chị, chồng chị là người đàn ông khỏe mạnh, biết cảm thông chia sẻ, ngoài việc làm vườn lo kinh tế gia đình anh còn giúp chị hòa nhập vào xã hội. Năm 1994, trở lại nghề mô phạm, mở lớp dạy Anh văn tại nhà, ngoài ra còn sáng tác thơ văn, chị đã đoạt giải 3 cuộc thi thơ chủ đề “Một thế giới, một tâm hồn” do tỉnh Cần Thơ tổ chức năm 1999. Tháng 12/2002, tham dự cuộc thi “lập dự án khởi nghiệp” của Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, đoạt giải khuyến khích…

Ngày 1/5/2001, được sự giúp đỡ của một số cơ quan, chị tổ chức cuộc họp thành lập Câu lạc bộ Người khuyết tật Cần Thơ có 20 hội viên. CLB đã được Sở LĐ-TB-XH Cần Thơ giúp đỡ.

Chiếc kiếng cận trên khuôn mặt bầu bĩnh, trông chị thật trong sáng. Chị Hồng Nga tâm sự:

- Từ khi thành lập CLB, với 5 triệu đồng do Sở LĐ-TB-XH Cần Thơ giúp, ngày 1/11/2002 chúng tôi lập tổ hợp sản xuất mỹ nghệ “Nhịp cầu” và đã lo được cho anh chị em khuyết tật đỡ đói khát. Còn với 10.000 USD của giải thưởng “Ngày sáng tạo Việt Nam” thì là món tiền mơ ước. Số tiền đó đã mở 3 khoá huấn luyện dạy nghề miễn phí, mỗi khoá huấn luyện 6 tháng, đào tạo được 38 học viên toàn NKT tại cơ sở sản xuất kinh doanh tại số 95A/4 ấp Thới Nhựt, xã An Bình ( Ninh Kiều, Cần Thơ). Đây là cơ sở dạy nghề duy nhất cho NKT ở Cần Thơ. Sau khi huấn luyện có tay nghề, chị tìm công ăn, việc làm cho các học viên. Liên hệ xin mở shop nhịp cầu tại siêu thị Coop Mark để bán và giới thiệu hàng mỹ nghệ do NKT làm.

Chị nỗ lực không biết mệt mỏi cùng với các nhà hảo tâm lo được 114 chiếc xe lăn và xe lắc tặng cho người khuyết tật, tặng 135 gậy cho người mù.

Tạo điều kiện để đa số NKT cơ sở Nhịp Cầu được đi tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh trong ngày Quốc tế NKT (3/12). Thể thao – Văn nghệ cơ sở Nhịp Cầu đã đóng góp tích cực đem về những thành công nhất định. Qua năm năm dự thi thể thao NKT toàn quốc và các nước bạn đã đoạt được 114 huy chương trong đó có 34 HCV. Về Văn nghệ tham dự 2 cuộc thi đoạt giải 2 và giải 3 toàn quốc, ngoài ra còn 7 cuộc giao lưu với các hội bạn.

Từ ngày đứng ra lo cho NKT chị đã đi tập huấn, hội thảo, hội nghị nhiều nơi trong và ngoài nước qua nhiều chủ đề dành riêng cho người Khuyết Tật hội nhập vào cuộc sống cộng đồng. Hồng Nga cũng là thành viên trong Ban trù bị chấp hành Hiệp hội sản xuất kinh doanh dịch vụ NKT Việt Nam tại Hà Nội.

Kết hợp nhiều tổ chức giúp học bổng cho học sinh nghèo, làm cầu, làm nhà. Giúp tiền trị bệnh cho NKT, xây nhiều nhà vệ sinh dành cho NKT, tổ chức đám cưới văn minh, tiết kiệm cho NKT. Tham gia nhiều cuộc thi, viết về nhiều dự án, được lãnh nhiều giải thưởng do các báo tổ chức. Ngoài ra chị đã kêu gọi nhiều tình nguyện viên người Hà Lan đến dạy sinh ngữ miễn phí , giúp cho công nhân NKT mở mang trí thức. Từ đó đến nay đã được 7 khoá, mỗi khoá 1 tháng.

Qua năm năm phụ trách chủ nhiệm “cơ sở nhịp cầu” thời gian không dài nhưng cũng lắm thăng trầm, những khó khăn mà chị phải đối mặt đó là không ổn định nơi ăn chốn ở cơ sở Nhịp cầu, mấy chục tay thợ gắn bó với cơ sở luôn lận đận, mà hầu hết là những người khuyết tật vận động cần có việc làm và chỗ ở ổn định sinh hoạt. Qua bao khó khăn đầy gian nan thử thách, giờ đây chị Hồng Nga đã vui mừng, tạm thời tạo dựng cơ sở Nhịp cầu có nơi ăn chốn ở ổn định.

Với một ý chí vươn lên mạnh mẽ, chị tạo dựng cho mình một tổ ấm hạnh phúc, bên cạnh đó, tâm niệm của chị là chăm lo đời sống những NKT có cùng cảnh ngộ như mình, tạo công ăn việc làm, hoà nhập cộng đồng.

Người dị tật tài hoa



Cơ thể không bình thường, mang dị tật từ lúc chào đời, người đàn ông Khơ-me có nhiều tài như đàn, hát, làm trò hài hước được mọi người mến mộ này đã từng làm Trưởng Trạm truyền thanh HTX Vị Hòa (Vị Thanh – Cần Thơ), Trưởng Đội văn nghệ ấp 11 (Phường 3, thị xã Vị Thanh) từ 1975 – 1992. Hiện nay, anh Danh Tài là người thợ sắp lắc, sạc bình ắc quy ở ấp 6 xã Vĩnh Thuận Tây (Vị Thủy – Cần Thơ).





Suốt một ngày khó khăn tìm kiếm chúng tôi mới gặp được Danh Tài. Anh nở nụ cười hiền lành cho biết: “Tôi ít thích ngồi không, tay chân không lành lặn như người ta nhưng làm việc riết rồi cũng quen. Sạc bình, sắp lắc, giăng lưới cắm câu, đàn cò, đàn thùng… tôi làm được hết.”

Danh Tài bị tật bẩm sinh, tay trái chỉ có một ngón cái, tay phải ba ngón nhưng hai ngón giữa lại dính liền nhau. Đôi chân gây trở ngại cho anh trong sinh hoạt hằng ngày, chân phải dài 4 tấc không có đầu gối, bàn chân 3 ngón. Chân trái dài 2 tấc, 4 ngón chân dính liền vào đùi. Anh đi bằng cách bò lết. Trong thời gian tham gia công tác văn hóa – văn nghệ, anh đã đi biểu diễn nhiều nơi như Tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ đem lại thành tích cho xã nhà. Trạm truyền thanh HTX Vị Hòa được Bộ trưởng VH-TT tặng bằng khen (1992). Bản thân anh được tặng nhiều bằng khen và giấy khen của Sở VH-TT, Hội Chữ thập đỏ Tỉnh Hậu Giang (cũ). Anh rất có duyên làm hài hước, một phần do cơ thể dị biệt của mình tạo nên nhiều trận cười thích thú cho khán giả. Thời gian sau này anh sinh sống bằng nghề giăng lưới cắm câu, bà con thấy anh vất vả nên thương tình giúp đỡ cho mượn máy nổ để sạc bình tạm sống qua ngày. Danh Tài bộc bạch: “Từ lúc điện công nghiệp về tận nông thôn, ít hộ sạc bình, nghề này gặp khó khăn, nhờ làm ăn có uy tín và được bà con thương nên còn bám nghề”. Anh Tài cho biết, sắp đến, anh được Nhà nước cấp nhà tình thương cho người dân tộc. Hiện nay anh sống trong nhà lá nhỏ với vợ và hai đứa con.



Ông Trần Thiện Thao, Bí thư Phường 3, Thị xã Vị Thanh cho biết: “Người dân ở đây ai cũng thích Danh Tài, đã nhiều năm anh góp công sức cho đội văn nghệ ấp 11. Trong tương lai, chúng tôi định mời Danh Tài ra tiếp tay cùng đội văn nghệ của Phường”.

Ngày 27-11-2001, anh Danh Tài được cấp xe lăn. Lần đầu ngồi xe lăn, anh rơm rớm nước mắt nói: “Cả cuộc đời đi bằng bò lết, thân hình nặng nề, nay ngồi xe thấy nhẹ nhàng làm sao!”. Mặc dù cơ thể mang dị tật, anh vẫn luôn lạc quan yêu đời, luôn năng nổ vượt lên số phận, tự xoay sở kiếm sống, đem tiếng cười đến cho mọi người và làm cho cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn. Thật đáng trân trọng.

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2007

Vươn lên tìm chổ đứng


Cô gái hai chân co quắp, tay mân mê cọng dây chuyền vàng xinh đẹp, đôi mắt sáng
săm soi, môi nở nụ cười mãn nguyện tự tin, qua sản phẩm em làm hoàn tất vừa nói
lên tâm tư, nguyện vọng luôn cả ước mơ của em đối với cuộc sống.


Em là Nguyễn Thị Bích Ngọc, thợ vàng bạc đã tham dự kỳ thi xác định thợ bậc 4/7 khóa 1/2003 (nghề vàng bạc) của Tổng cục Dạy nghề Bộ Lao động -TBXH.

Nụ cười hiền lành, giọng nhỏ nhẹ, Bích Ngọc thố lộ: “Số phận không cho em nguyên vẹn đôi chân, để có được tay nghề như hôm nay em trải qua không biết bao nhiêu khó khăn nghiệt ngã. Từ nhà nuôi dưỡng đến nơi học nghề phải đi đoạn đường 4 km thời gian hơn 3 năm, lúc học chân không thể đạp cóc đèn được, nhiều lần thầy khuyên nên chọn một nghề khác hợp với khả năng bệnh tật của em. Với quyết tâm tạo cho mình có tay nghề, em đều đặn đến lớp không bỏ một buổi học nào. Niềm đam mê nghề nghiệp giúp em vượt lên mọi khó khăn bệnh tật, cuối năm 2003 em thi thợ bậc 5/7 nghề vàng bạc”.

Nguyễn Thị Bích Ngọc sinh năm 1984, bị cơn sốt bại liệt làm hai chân co quắp từ lúc em 5 tuổi. Cha mất sớm khi em chào đời chỉ được 15 ngày. Hiện ở cùng mẹ già 63 tuổi tại Nhà nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi không nơi nương tựa phường An Thới, TP Cần Thơ.

Cô Nguyễn Thị Minh Phương, Phó giám đốc nhà nuôi dưỡng cho biết: “Trước đây hai mẹ con Bích Ngọc không nhà cửa, hàng ngày bán chuối nướng trước bệnh viện 30 tháng 4. Do hoàn cảnh mẹ già, con tật nguyền, được bệnh viện giới thiệu đến ở “mái nhà” này vào năm 1998. Chúng tôi thấy Bích Ngọc thông minh sáng dạ, ham học hỏi, thương yêu mọi người nên tạo điều kiện cho em học nghề để sống và nuôi mẹ già. Và em đã làm được điều mong đợi của chúng tôi. Theo tinh thần của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cần Thơ, khi các cháu có nghề ổn định, tuổi từ 18 đến 20 thì ra đời về địa phương sinh sống. Cháu Bích Ngọc là một trong số những người đó”.

Bích Ngọc cố gắng học hỏi, chuyên sâu nghề vàng bạc để thành tay thợ lành nghề đồng thời ở lại trường dạy nghề, đem khả năng cống hiến cho Hội người khuyết tật, giúp các bạn cùng cảnh ngộ như mình có tay nghề hội nhập vào cuộc sống. Mơ ước của em là mong các nhà hảo tâm giúp cho em chiếc xe làm phương tiện đi lại dạy nghề, bớt đi phần vất vả.

Chàng họa sĩ tật nguyền tài hoa

Hồ Hoàn Kiếm, họa sĩ khuyết tật, vẽ ở số nhà 330B đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa (TP Cần Thơ). Mái tóc dài bồng bềnh, khuôn mặt rất nghệ sĩ, ngồi trên chiếc xe ăn, anh cho biết: Anh là nạn nhân chiến tranh, bị thương vào năm 13 tuổi khi đi thăm hai anh trai ở vùng căn cứ cách mạng.

Lúc anh nằm điều trị tại bệnh viện Bạc Liêu, bác sĩ mổ cho biết đám rối dây thần kinh tổn thương, hai chân anh không thể đi lại được. Biết mình suốt đời bị bại liệt, anh rất buồn khổ. Nhờ mọi người trong gia đình lo chạy chữa và thương yêu hết mình nên Kiếm vơi dần nỗi bất hạnh.

Gia đình thấy Kiếm có khiếu về vẽ nên đã tạo điều kiện cho học nghề vẽ. Gia đình rước họa sĩ về nhà dạy vẽ cho anh. Anh học tiến bộ rất nhanh. Gia đình đưa anh vào học khóa hội họa năm 1969 đến năm 1971 tại trường Mỹ thuật Á Châu (TP Sài Gòn cũ).

Trong thời gian này, gia đình vẫn tiếp tục chạy chữa cho anh, nhưng tiền mất tật mang, hai chân càng ngày càng teo nhỏ, anh mất cảm giác từ lưng trở xuống.

Hai người anh trai của Kiếm đều anh dũng hy sinh. Liệt sĩ Hồ Văn Trường mất năm 1969, liệt sĩ Hồ Văn Tòng mất năm 1970, chôn tại nghĩa trang liệt sĩ Hòa Tú (Sóc Trăng).


Rồi cha mẹ qua đời, Kiếm nhờ vào nghề vẽ kiếm tiền sinh sống. Để lấy ngắn nuôi dài, anh vẽ chân dung, truyền thần cho khách. Chính yếu là vẽ tranh sơn dầu trên vải. Đa số tranh của anh vẽ đều nói lên cái đẹp toàn diện của quê hương Việt Nam.

Chúng tôi nhìn vào bức tranh anh đang vẽ người mẹ cho con bú, anh hiểu ý liền nói: - Bức tranh này tên là “Hai dòng phù sa” nói lên sông Tiền và sông Hậu hợp lại tiêu biểu sức sống của người dân hai miền sông nước.





Những bức tranh sơn dầu của anh phần nhiều bán cho người nước ngoài như Đài Loan, Nhật và các nước Tây Âu.

Tranh của anh chất phác, giản dị, thể hiện vẻ đẹp hiền hòa của người con gái Việt Nam như bức tranh cô gái quê mặc áo bà ba xõa tóc, ngồi chằm nón trong bối cảnh thanh bình của quê hương đã thuyết phục rất nhiều khách ngoại quốc. Vị khách Đài Loan đã bỏ cọc tiền mua bức tranh đó. Tranh sơn dầu của anh thường bán giá từ 100 USD đến 300 USD. Những hình vẽ chân dung, truyền thần giá một trăm nghìn đồng.

Thấy tình hình sức khỏe của Kiếm suy giảm, mất ngủ nhiều, nên người anh của anh ở Phần Lan đã gởi về cho anh cái nệm nước.

Anh vui vẻ nói: Nhờ có chiếc nệm, cơ thể cử động xoay trở dễ dàng hơn. Nệm chứa một khối nước, dài 2,4 m, rộng 1,6 m và cao 0,4 m. Trời nực, hơi nước ở nệm tạo cho cảm giác dễ chịu. Khi trời lạnh có điện trở đặt bên trong tạo nên độ ấm.

Căn nhà anh chỉ sống một mình, nên anh đã cho những sinh viên nghèo, trẻ em cơ nhỡ về nương tựa. Nhiều sinh viên tốt nghiệp, có công ăn việc làm, cảm mến cái tình, cái nghĩa vẫn còn ở lại với anh như anh Lê Phước Thọ làm ở Khách sạn Victoria, anh Võ Thái Hệ làm tại Công ty cá ba sa.

- Chuyện tình cảm riêng tư của anh?


Anh cười thổ lộ:

- Cô gái làm người mẫu trong bức tranh cô gái quê xõa tóc ngồi chằm nón, đó là người mà tôi sẽ đến…