Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2007

Cô gái viết bằng chân



Ở ấp 7 xã Xà Phiên (Long Mỹ – Cần Thơ) có một cô gái mang nỗi bất hạnh từ lúc mới chào đời. Cả hai tay, hai chân đều bị dị tật, chỉ có mấy ngón chân là còn cử động được. Vin vào những ngón chân nhỏ bé và yếu ớt đó, cô tập viết, tập bơi xuồng để tự mình đến trường, tự tìm cho mình một tương lai bằng con đường học vấn. Trong căn nhà tranh thấp lè tè nằm trên khoảnh đất bao bọc xung quanh là một biển nước. Cô bé khuyết tật đi bằng đầu gối ra đón chúng tôi…

Nhìn vào cơ thể thấp bé của Sậm, không ai có thể nghĩ rằng cô đã 25 tuổi. Huỳnh Thị Sậm sinh năm 1977, là con thứ tư trong một gia đình có sáu chị em gái. Sậm mang dị tật từ lúc mở mắt chào đời, hai chân bị liệt, co quắp, chỉ cử động được mấy ngón, còn hai tay thì hầu như không làm được gì. Sậm di chuyển bằng một đầu gối chung với bàn chân. Ba em mất năm em 14 tuổi sau nhiều ngày chữa trị bệnh lớn tim, để lại gánh nặng cho người mẹ yếu đuối, tần tảo nuôi 6 chị em. Năm 15 tuổi Sậm mới bắt đầu đi học. Sậm bộc bạch: “Em đi học chỉ mong biết chữ để đọc. Cơ thể tật nguyền mọi công việc đều nhờ vào thầy, cô, bạn bè. Khi em biết đọc thì tình cảm thầy cô, bạn bè ăn sâu vào tâm khảm, cuộc sống em như gắn liền với thầy, bạn”.



Muốn tiếp tục đi học Sậm phải luyện tập ý chí của mình, thầm lặng nhưng gay go và quyết liệt. Sậm kiên trì, miệt mài tập viết bằng nhiều cách, các ngón chân trái kẹp cây viết cùng với các ngón chân phải đè trên quyển tập, Sậm tập viết riết cũng thành công. Viết được, em mừng lắm nhưng gia đình quá nghèo, mẹ và chị không có thời gian cõng em đi học. Một lần nữa Sậm lại khắc phục bản thân, tập bơi xuồng bằng chân. Sậm để cây dầm lên đầu gối làm điểm tựa, từ từ em bơi được, nhưng không nhanh.

Trước mắt chúng tôi là một con người cơ thể yếu đuối nhưng nghị lực vô cùng mạnh mẽ. Suốt bốn năm học cấp II Trường phổ thông cơ sở Xà Phiên, mỗi ngày đi học, Sậm phải bơi xuồng bằng chân đi, về 8 km. Ra đi trời chưa sáng, về nhà khi mặt trời đã tắt. Ba năm liền lớp 6, 7, 8 Sậm đều là học sinh tiên tiến. Ông Phan Thanh Liêm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân số – Kế hoạch hóa gia đình huyện Long Mỹ nhận xét: “Sậm sinh ra trong một gia đình nghèo (mẹ góa con côi) có hoàn cảnh nghiệt ngã đáng thương. Một cô gái vươn lên tìm cho mình cuộc sống, thật đáng trân trọng. Trước đây UBND Huyện Long Mỹ có tặng một chiếc xuồng để em làm phương tiện tự đi học. Thú thật với các anh, lúc đầu giao xuồng cho Sậm, tụi tui cũng lo lắm, lỡ em té thì nguy hiểm tính mạng, nhưng không sao. Đến nay thì em bơi đã khá rành rẽ rồi. Vừa qua, UBND Huyện Long Mỹ chỉ đạo cho sửa lại căn nhà của Sậm vì quá ẩm thấp và hư hỏng”.

Những năm học cấp 3 Sậm khăn gói xa nhà đi ở nội trú và học Trường PTTH Long Mỹ. Nơi đây, ăn uống, vệ sinh cá nhân em tự giải quyết. Gia đình nghèo, đành tự túc nấu ăn bằng đôi chân không lành lặn của mình và món ăn độc nhất của em trong suốt ba năm trời vẫn là món cá khô. Những năm này em nhờ bạn Thạch Đa học cùng lớp đẩy xe cho em vào lớp. Sậm cho biết, suốt mấy năm học, các thầy, cô đã tạo điều kiện giúp đỡ em học tốt như thầy Cường hiệu trưởng, cô Thu Ba dạy môn Sử…

Với giọng buồn buồn, Sậm bộc bạch: “Cơ thể em dị biệt nên trong suốt thời gian em đi học, phòng giáo dục đóng riêng cho em chiếc bàn để ngồi và em luôn ngồi xa các bạn. Trong mười năm học, những lúc thi em tự làm bài bằng sức lực của mình”.

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 sậm bị hỏng. Em khóc rất nhiều, bỏ cả ăn uống. Sậm nói trong nước mắt: “Chú ơi! Cháu cũng biết trí nhớ chậm phát triển nên lo học lắm chú à. Lúc thi ngồi bàn riêng, cùng một thời gian thi như nhau, cháu viết bằng mấy ngón chân nên chậm, không đủ thời gian làm bài. Bây giờ cháu làm gì đây? Cháu đuổi gà, con gà không sợ nữa huống là!”.

Nhìn đầu gối bên trái lớn và chai sần do phải cọ xát trong sinh hoạt hằng ngày, chúng tôi vô cùng xúc động và không thể tin nổi khi bà Nguyễn Thị Tám, mẹ của Sậm đem chiếc áo Sậm khâu bằng chân tặng bà cho chúng tôi xem. Bà nói trong xúc động: “Nhìn thân thể con là lòng tôi quặn đau, từ hôm nó lấy kim khâu bằng chân chiếc áo bà ba cho tôi, tôi không biết nói gì, chỉ chảy nước mắt nhìn con”.

Huỳnh Thị Sậm khắc phục bệnh tật, rèn luyện để tự tìm cho mình một tương lai. Một con người giàu nghị lực, tự vượt lên hoàn cảnh rất đáng trân trọng. Chúng tôi cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ đến Sậm đang sống trong vùng quê nghèo xa xôi lũ lụt, từng ngày tự vượt qua những thử thách cam go với khát vọng được hòa nhập vào cộng đồng.

Khiếm thị đoạt giải nhạc công

Hội thi Hoa Phượng Đỏ Tỉnh Cần Thơ năm 2002 do Sở VHTT và Sở GDĐT tổ chức từ 23 đến 25/8/2002 gồm 9 huyện, thị, thành phố và Trường dạy trẻ Khuyết Tật tham dự.



Nguyễn Phương Duy bị mù từ nhỏ đã đoạt giải đặc biệt dành cho nhạc công. Duy sử dụng đàn organ, đàn guitar phím lõm một cách điêu luyện làm nức lòng người hăm mộ. Thành tích này Duy cũng đã lập lại tại hội thi Hoa Phượng đỏ năm 2000.
Duy tâm sự: “ Em rất yêu âm nhạc, cuộc sống của em không thể thiếu âm nhạc, em học đàn organ 2 năm tại trường Nguyễn Đình Chiểu và em thường đi biểu diễn ở các nhà văn hoá. Ngoài ra, em nhờ thầy tư nhân dạy em đàn cổ nhạc”.
Nguyễn Duy Phương sinh năm 1976 tại ấp Hoà Long B, thị trấn Kinh Cùng (Phụng Hiệp, Cần Thơ). Em bị ban sởi lúc 3 tuổi, di chứng quái ác làm đôi mắt bị mù. Ba em đi hoạt động cách mạng, mẹ bỏ ra đi lúc em 28 ngày tuổi, em ở với bà nội và cô, chú. Học 12 năm phổ thông dành cho người khiếm thị, hiện em học lớp vậy lý trị liệu tại trường Khuyết Tật Cần Thơ, em là kỷ thuật viên xoa bóp vật lý trị liệu.
Khi hỏi về tương lai, cậu con trai khiếm thị này quyết tâm học lại văn hoá để thi tốt nghiệp cấp 3 và rèn một nghề để ổn định cuộc sống lâu dài.

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2007

Trường Giang Thủy - Vững vàng trên chiếc tó


Anh Trường Giang Thủy bị liệt hai chân, nhưng say mê sáng tác văn học. Trong năm 2003, anh có 14 tác phẩm đoạt giải trong cả nước. Nếu tính cả 10 năm sáng tác, anh đoạt được 59 giải với nhiều thể loại.

Tôi gặp Trường Giang Thủy cùng Võ Thị Mai Xinh trong ngày nhận thêm một giải thưởng trong cuộc thi thơ của Hội Văn nghệ TP Cần Thơ dịp Nguyên tiêu 2004. Niềm vui và hạnh phúc biểu lộ trên gương mặt phúc hậu của anh.

Anh Trường Giang Thủy tên thật là Phạm Hồng Trừ, sinh năm 1953, ở tổ 2, ấp Hòa Long, xã Hòa An (Cao Lãnh, Đồng Tháp).

Đôi mắt hướng về xa xăm, anh kể: “Tôi là con thứ ba trong gia đình 3 chị em, chị Hai mất lúc tôi 5 tuổi nên gia đình xem tôi là con trai lớn”.

Tuổi thơ của anh thiếu sự hồn nhiên vì bệnh viêm đa khớp. Đến năm 17 tuổi, cái tuổi đẹp đẽ và tràn đầy nhựa sống, hai chân anh teo nhỏ, nên phải nghỉ học. Từ đó, anh sống câm lặng, thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần. Anh thổ lộ: “May mắn là tôi có người mẹ tuyệt vời, bà luôn cưu mang, đáp ứng những nguyện vọng mà tôi cần như sách báo, truyện, thơ, tài liệu nghiên cứu”.

Thế là anh chống tó để đi lại và cố học lấy một nghề để nuôi thân. đơn giản, anh chọn nghề “hớt tóc”.

Lành nghề, cần mẫn, vui tính nên quán hớt tóc của anh khá đông khách. Khách ngồi ghế xoay, còn anh ngồi ghế cố định để làm đẹp cho khách. Quán hớt tóc trở thành nơi thu lượm mọi tin tức, mọi chuyện buồn vui ở đời và từ đó khơi dậy sáng tác trong anh. Bài ca cổ đầu tay “Những người đi chinh chiến” của anh được ban cổ nhạc Kim Tân ca trên Đài Phát thanh Cần Thơ. Anh Giang Thủy tâm sự: “Khi tôi viết, chỉ mong giải tỏa những bức xúc, nghiệt ngã vì bệnh tật, chứ không nghĩ mình sống bằng nghề viết lách. Thế rồi khi tác phẩm được đăng, được giải thưởng, niềm hạnh phúc, đam mê trào dậy. Từ đó, chuyện viết lách ăn sâu vào máu thịt”.

Qua mười năm anh viết rất nhiều thể loại: cải lương, kịch hài, kịch nói, văn xuôi, thơ ca… Thành công nhất là khi anh viết về mẹ. Bài vọng cổ “Tình mẹ” nói lên những cảm xúc ngậm ngùi khi nhớ đến người mẹ yêu quý.

Tàu cau rơi, tàu cau rơi hồi xế / Mẹ ra ngồi gốc khế vót tàu cau / Con dao xếp bóng mồ hôi tay mẹ / Chạnh nỗi đời không đánh cũng dư đau.

Vở cải lương “Chuyện một góc phố” đoạt giải của Sở Văn hóa Thông tin thành phố Hồ Chí Minh. Vở kịch hài “Bất chấp bất trắc” đoạt giải của Hội Văn nghệ Kiên Giang. Vở kịch nói “Người xa xứ” đoạt giải của Hội Văn nghệ Cần Thơ. Lời mới cho bài ca tài tử “Đêm cuối cùng cho loài hoa sứ” đoạt giải của VTV3. “Mẹ là quê hương” đoạt giải Hội Văn nghệ Bạc Liêu…

Anh viết nhiều thể loại, nhưng tâm đắc nhất là kịch bản sân khấu. Vở “Chuyện ly hôn sau năm hai ngàn” được Đài Truyền hình Đồng Tháp dàn dựng. Vở cải lương “Cơn bão đi qua” được Đoàn cải lương Hương Tràm của Cà Mau dàn dựng.

Tuổi trẻ tật nguyền, sống nhờ nghề hớt tóc nên tình duyên của anh cũng chẳng suôn sẻ gì. Sau này anh gặp được chị Võ Thị Mai Xinh nhân hậu, xinh đẹp và nên vợ nên chồng. Chị đã động viên, chăm sóc anh trong đời thường cũng như trong sáng tác thơ văn.

Nỗi đau lớn trong đời anh là mất đứa con gái 18 tuổi vì căn bệnh trụy tim ngặt nghèo. Nét mặt buồn rầu, anh nói: “Khi con mất, tôi tưởng mình ngã quỵ, may có vợ, bạn bè động viên an ủi. Hiện nay, chúng tôi lo cho đứa con trai duy nhất Phạm Đức Võ Trọng đang học ĐH năm thứ hai, khoa Ngữ văn”. Anh Giang Thủy cho biết trong quý 1-2004 anh sẽ cho ra mắt 24 bài ca cổ chủ đề “Chuyện đời xưa, chuyện đời nay”, trong đó có tác phẩm “Chuyện ngày qua” anh viết về nghịch cảnh của vợ anh từ những ngày mới quen nhau.


Qua mười năm sáng tác, vươn lên từ nhiều khốn khó, anh Trường Giang Thủy để lại trong lòng bạn bè cũng như độc giả ĐBSCL những tình cảm thân thương quý trọng.

Bông hoa miền sông nước


Vạn động viên bơi lội thương tật hạng 6 Trương Thị Cẩm Tú 27 tuổi, năm năm liền dự giải Tiền Paragam và ASIAN Paragam từ 2001 – 2006 đã đem về thành tích đáng trân trọng, đoạt 14 HCV – 4 HCB - 4HCĐ trong những cự ly 200 mét, 100 mét và 50 mét tự do. Cẩm Tú đã đem vinh quang về cho đất nước nói chung và đã đem vinh dự to lớn về cho tỉnh nhà Hậu Giang. Năm 2006 – 2007 Cẩm Tú là cá nhân đoạt huy chương “ điển hình thi đua yêu nước”- Huy chương “Alaxan chiến thắng nỗi đau” – Giải điển hình “ cá nhân tiên tiến” tỉnh Hậu Giang.


Cẩm Tú quê ở xã Tân Long ( Phụng Hiệp – Hậu Giang) vừa cất tiếng khóc chào đời, hai chân tong teo, liệt và mất cảm giác từ bụng xuống chân. Có lẽ Tú là cái gai trong cuộc sống gia đình, thế rồi cha mẹ chia tay, gia đình li tán. Tuổi thơ đến với em là những ngày đơn lạnh, khao khát tình thương. Cuộc sống quạnh hiu với bao đau thương mất mát đè nặng, nhưng không vì thế mà Tú mất đi niềm tin.

Với đôi mắt tinh tường của một em bé chịu nhiều bất hạnh, khổ sở nhìn bà ngoại từng ngày đi kiếm từng chén cơm cho em và từng ngày giam mình trong căn nhà quạnh hiu. Tú nghĩ : Mình phải làm một việc gì đó dù rất nhỏ nhặt để cải thiện cuộc sống cho riêng mình.

Quê hương Tú là một miền quê sông nước, tật nguyền bại liệt như em khó mà tìm kiếm một việc làm hợp với khả năng để sống qua ngày. Năm 12 tuổi, với khuôn mặt ngây thơ, Cẩm Tú ước mơ táo bạo: “Làm sao mình trở thành em bé lái đò đưa khách sang sông”. Để ý nghĩ trên trở thành hiện thực, ngày ngày Tú ra sông tập bơi lội để tự cứu mình lúc nguy hiểm. Mặc kệ đôi chân liệt tong teo, Tú kiên trì tập luyện bằng đôi tay và em đã thành công bằng cách bơi hai tay thuần thục.

Khi biết bơi rồi, Tú chỉ là kẻ trắng tay, tiền đâu mua xuồng để hành nghề đưa khách sang sông. Sau những đêm dài trằn trọc, một buổi sáng mờ sương, bằng hai đòn lết, cô gái khuyết tật đã lết từ cầu Sơn Trắng lên đến Phụng Hiệp, lết quãng đường hơn 10km để gặp các chủ trại xuồng. Khi chủ trại xuồng tiếp xúc cùng Cẩm Tú, trước mắt họ là cô bé tật nguyền nhỏ bé, có gương mặt thật hiền, giọng nói nhỏ dịu dàng, muốn đem sức mình tự vươn lên kiếm sống bằng lao động, bằng mồ hôi ướt đẫm của mình. Thế là chủ trại xuồng đồng ý bán chịu cho em chiếc xuồng năm quăn (1) giá 17000 đồng trả góp trong 1 năm.

Cẩm Tú nghiễm nhiên trở thành cô lái đò đưa khách sang sông, với bao khó Tú tìm được niềm vui, từ đó hằng ngày em có thêm thu nhập, bớt gánh nặng áo cơm cho bà ngoại già yếu. Việc làm này em thấy cuộc đời có ý nghĩa và hạnh phúc.

Trong mười năm đưa khách sang sông, cô gái liệt hai chân có đôi tay rất mạnh và bơi rất giỏi, đó cũng là lợi thế của em về môn bơi lội. Ngoài ra, em không bao giờ tính hơn thiệt với khách sang sông, nên được bà con cảm mến. Với khuôn mặt sạm đen mưa nắng, Cẩm Tú kể:

- Có môt lần, xuồng em tới tuổi rã mục, đắp chỗ này thì nước tràn chỗ khác, bà con thương tình, phụ nhau tát nước chèo qua sông, rồi được mấy chú chằm vá bơi tạm đợi ngày sắm xuồng mới.

Theo dòng chảy của cuộc đời, quê hương Cẩm Tú đổi mới từng ngày, ngôi chợ ngày xưa bây giờ đã khang trang, bến đò đưa rước khách sang sông giờ đây đã có cầu bê tông kiên cố bắc ngang, người xe qua lại tấp nập. Đò ngang vắng khách, Cẩm Tú ngậm ngùi từ giã bến sông với bao kỷ niệm êm đềm lên bờ tìm cuộc mưu sinh mới.

Trên đường cầu thực, Cẩm Tú đã tìm được điểm tựa trong cuộc sống chênh vênh đó là Câu Lạc Bộ Khuyết Tật Cần Thơ và nơi đây Tú tự nỗ lực đứng lên, đem hết sức mình thi thố trong môn bơi lội tại hội thao toàn quốc và quốc tế đoạt nhiều huy chương trước sự thán phục của khán giả.

Đặc biệt trong Asean Para Gams 2 của 11 nước Đông Nam Á, Cẩm Tú đoạt 1 HCV cự li 200 mét, 1 HCV cự li 100 mét tự do và HCB 50 mét tự do trước sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả Việt Nam. Cẩm Tú bước lên bục vinh quang với gương mặt tràn đầy niềm vui.

Và cũng từ đó, Tú được bạn bè các nơi gởi thư từ thăm hỏi. Khổ nổi, Tú không thể đọc cũng như viết thư trả lời cho các bè bạn. Không ngại khó khăn, ngày đi làm, đêm về nhờ người quen dạy cái chữ, Tú miệt mài học và tập viết, chỉ trong thời gian ngắn niềm vui của Tú là trả lời thư cho các bạn.

Với ý chí tự lập và vươn lên, Tú đã mạnh dạn từ giã miền quê lên TP Hồ Chí Minh kiếm việc làm và có cơ hội đến trung tâm thể dục thể thao trau dồi luyện tập, nơi đây được HLV chỉ dạy tận tình.

Năm 2006 Cẩm Tú lại đem về những thành tích đáng trân trọng 2HCV + 1 HCĐ. Hiện nay, Cẩm Tú có được việc làm thích hợp với khả năng của mình, đó là phụ kiểm hàng thêu, may tại địa chỉ 205/38 đường Thoại Ngọc Hầu ( Tân Phú – Hồ Chí Minh) và mỗi chiều Cẩm Tú vẫn đều đặn đến luyện tập để dự thi giải thể thao toàn quốc tháng 7/2007 tại Huế và giải quốc tế tháng 12/2007 tại Thái Lan.


(1) bơi 1 năm rồi bỏ

NGƯỜI ĐÀN BÀ MÙ QUẢY GÁNH



Cô bé quê nghèo lớn lên trong vùng lửa đạn, đã từng nếm mùi đói lạnh, từng chân lấm tay bùn nơi ruộng rẫy, nhưng trong lam lũ cô vẫn sống hồn nhiên, chan hoà tình thương như mạch suối ngầm trong trẻo, tinh khôi. Thế rồi, sau cơn bệnh ngặt nghèo di chứng mù loà đã đẩy cuộc đời cô bé về với bóng tối .

Khi đôi mắt không còn thu nhận được ánh sáng, bà con cô bác đều buông tiếng thở dài: “ Đáng thương cho cô bé mười ba tuổi Trương Thị Nhàn”. Không ít người định kiến cho rằng: “ Từ đây đến hết đời con Nhàn là gánh nặng cho gia đình, sẽ chẳng làm nên được cái gì”.
Nhàn buồn muốn chết đi được. Nghiệt ngã, bất hạnh trùm phủ màu đen lên tấm thân bé nhỏ. Nhưng với tính tự lập, cầu tiến, Nhàn suy nghĩ phải tìm cách làm thế nào để mình không là kẻ ăn bám, bèn tìm chị Hai thổ lộ: “Chị thử nghĩ giúp em, người mù như em làm được việc gì ?”. Chị Hai tìm lời giải thích:“ Em đừng bi quan, mặc dù đôi mắt không thấy đường, nhưng em có khối óc, đôi tay kèm với đức tính chịu thương chịu khó thì không việc gì không làm được”. Sau khi chị Hai tận tình chỉ dạy nghề làm men rượu. Nhàn kiên trì, miệt mài học hỏi và không bao lâu trở thành cô thợ làm men nổi tiếng, mem làm ra đặt luôn đặng rượu, sau khi uống cái hậu thơm ngon. Men rượu cô gái mù quê ở Ngan Dừa ( Hồng Dân, Bạc Liêu) vang tận Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ…
… Một ngày nọ, có chàng thanh niên cũng mù đôi mắt như Nhàn, sống nghề gặt thuê, đốn cây, làm cỏ, hái dừa mướn… đã nhiều năm mà chẳng “đổi đời”, nay chuyển nghề đi buôn vì cho rằng “ phi thương bất phú” bèn dong ruổi đó đây. Định mệnh đưa chàng đến gặp nàng. Em làm men rượu, anh mua men đi bán. Bốn năm gần gũi, khắng khít nẩy sinh tình cảm “men rượu làm say men tình” vậy mà chưa đủ kết nối một mối tình, mặc dù Nhàn đã quen thuộc từng bước đi, giọng nói, tiếng cười, cũng có những giây phút xao xuyến, nhớ thương. Trong lần từ chối lời tỏ tình của chàng trai mù Lưu Xì Rết, Nhàn nhỏ nhẹ : “Anh ạ! Người đàn ông mù còn kiếm được vợ sáng, người đàn bà mù thiệt thòi hơn, em đã mù lấy anh cũng mù, sinh con làm sao nuôi nó nên người, lại gieo thêm gánh nặng cho xã hội”.
Nhàn thường thức khuya dậy sớm, làm lụng cật lực nên một ngày nọ, cô bị bệnh liệt giường. Rết xuống lấy men đi bán. Được tin Nhàn bệnh anh vội vã mua quà đến thăm. Nhàn đưa tay quờ qụang tìm rờ khuôn mặt Rết, bất chợt Nhàn nhận ra hai dòng nước mắt nóng hổi từ đôi mắt thẳm sâu của Rết chảy qua bàn tay thô ráp của mình… Để rồi ...Nhàn quảy gánh… theo Rết về quê ở ấp 5, xã Xà Phiên ( Long Mỹ, Hậu Giang) xây dựng gia đình.
Từ đó Nhàn – Rết bên nhau, cùng chia sẻ gian nan trước những khó khăn về cái ăn, cái ở lại thêm một thai nhi đang tượng hình. Hai người làm đủ mọi việc trong khả năng để kiếm sống và dành dụm khi sinh nở. Ngày ngày, Rết đi mò cá bán, hết mò cá đến bẻ dừa mướn, đan lồng bẫy chim… Riêng Nhàn xay gạo làm men, đặt rượu, trồng cây trái trong vườn, nuôi con gà, con heo…
Mỗi lần thai nhi cựa quậy, Nhàn vừa mừng vừa lo cho sinh linh bé bỏng của mẹ sẽ như thế nào. Nghĩ đến một phần máu huyết của mình sắp sửa chào đời, rồi quên hết mọi gian khổ, tật nguyền lao vào công việc. Khi đứa bé gái đầu lòng ra đời đặt tên là Lưu Thị Hữu Nhân sinh năm 1991, tiếng khóc trẻ thơ làm căn nhà ấm cúng và hạnh phúc hơn. Nhàn thủ thỉ với Rết: “ Anh ơi! Người ta nói con mình dễ thương lắm, đôi mắt tinh anh, mặt mày xinh xắn. Nó bú mạnh lắm nghe anh, em mừng ghê…”. Từ đó, đêm đêm trong căn nhà tối om, người ta nghe âm thanh cối xay bột quay đều: “ Anh ạ! Mình chịu khó nấu rượu rế cơm bằng tấm vất vả hơn gạo nhưng sẽ kiếm được đồng lời nghe anh ”. Rồi đứa con gái thứ hai ra đời tên là Lưu Thị Ai Nhân năm 1993 giống cô chị, thông minh, chăm học. Nhà cửa, chuồng heo, vườn tược sạch sẽ, gọn gàng. Để cuộc sống vươn lên khá hơn thoát cơ cực, đói nghèo. Năm 1998, chị Nhàn nuôi heo nái, hơi thở đều đều của heo là niềm vui của chị, hai con heo nái một năm sinh bốn lứa trên 40 con heo con, bà con ai cũng trầm trồ khen ngợi “ Đàn bà mù như chị Nhàn sao mà giỏi giang quá”.. Khoai thơm chị trồng một năm thu hoạch trên ba trăm ký.
Mỗi viên men, ký thịt heo, củ khoai chị làm ra dường như đổ nhiều mồ hôi hơn người khác. Gian khổ là vậy nhưng chị Nhàn không vì khổ cực mà buồn giận chồng con.
Trong sinh hoạt bình thường có nhiều việc Nhàn thường đem lại ngạc nhiên không kém phần thú vị cho mọi người. Áo quần chồng con rách đem ra để trên đùi, chị xâu chỉ luồn kim trong vòng ba mươi giây. Dùng lưỡi xác định lỗ kim, đầu lưỡi vo cọng chỉ đưa vào lỗ kim, hai ngón tay kéo chỉ lôi ra, chị vá lại những dấu rách. Chị thản nhiên làm không hay biết mọi người nhìn chị với cặp mắt thán phục.
Số tiền bán heo con, gả heo nái, tiền gom trong thu hoạch trồng trọt. Anh chị tu sửa lại căn nhà. Ngày sửa nhà, con gái thấy chị lặng lẽ ngồi sau nhà, hai hàng nước mắt chảy dài, bèn sà vào lòng chị hỏi :“ Sao mẹ khóc, ai làm mẹ buồn hả?”. Chị nói trong thổn thức: “ làm được căn nhà ấm cúng như hôm nay mẹ quá mừng mà chảy nước mắt !…”.
Anh Lê Hoàng Quến, thương binh ¼, mù đôi mắt do chiến tranh, hiện chủ tịch hội Người Mù huyện Long Mỹ, Hạu Giang nhận xét:“ Huyện Long Mỹ chúng tôi có 132 hội viên mù, gia đình anh chị Nhàn là nhân vật điển hình tiêu biểu của huyện, để có một mái ấm như hôm nay, anh chị Nhàn đã vượt qua bao nghiệt ngã, tưởng chừng khó có ai kiên trì làm nổi, con cái được ăn học đàng hoàng, nhiều gia đình bình thường ở đây không bằng anh chị Rết”.
Chị Nhàn đã 50 tuổi, lúc này không còn thức đêm làm men, nấu rượu, xay bột… ngoài việc nuôi heo chị còn lo trông coi bán tiệm tạp hoá thu nhập sống qua ngày. Những đứa con của chị vừa đi học vừa tiếp mẹ mua bán hằng ngày.
Anh Rết lúc này đã 60 tuổi, anh là chi hội trưởng chi hội người mù ấp 5 xã Xà Phiên. Anh thường có mặt trong những đêm vui chơi đờn ca tài tử. Anh luôn hãnh diện có người vợ đảm đang, không mang gánh nặng cho xã hội, đồng thời biết ơn người vợ hiền đã ban tặng cho anh những đứa con ngoan hoà nhập cộng đồng, tạo cho gia đình hạnh phúc và tin yêu cuộc sống.

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2007

Lời nói đầu

Trong cuộc sống với bao bộn bề lo toan vật chất, ta bắt gặp nhiều mảnh đời khuyết tật đang lẫn mình trong cuộc sống ngày thường. Đi sâu vào cuộc sống nội tâm mới hiểu được những vất vả khó khăn của họ, hiểu được sự bền bỉ vươn lên với bao nghiệt ngã trên con đường tìm bát cơm manh áo. Tôi rất trân trọng cảm phục trước những nghị lực phấn đấu phi thường, họ là tấm gương điển hình rực sáng về nhân cách sống. Ngoài ra, ta cũng được chứng kiến tình yêu trong những tấm lòng nhân ái, sẵn sàng chia sẻ, giang rộng vòng tay đón nhận những mảnh đời nghiệt ngã, làm chiếc cần câu giúp họ vươn lên cuộc sống.
Giữa những thăng trầm cuộc sống, mỗi người mỗi việc. Riêng tôi, khi nghĩ đến người khác, ước mong làm một việc gì đó tạo được yêu thương, ước mong mang quà tặng đến cho họ đó là niềm vui dù là niềm vui nhỏ nhoi.
Hơn mười năm với chủ đề “những cảnh đời, những tấm lòng” tôi đã góp nhặt một số nhân vật sống bằng cách viết đến các báo : Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Người Lao động, Cần Thơ, Hậu Giang…với tình cảm yêu quý, lòng ngưỡng mộ và sự cảm thông sâu sắc, hy vọng đưa lên những tấm gương vượt khó, nghiệt ngã…và những tấm lòng nhân ái hầu góp phần thắp sáng niềm tin vào xã hội.
Qua nhiều năm đổi thay, có nhiều bài viết không còn đúng theo giá trị thời gian hiện nay, nhiều nhân vật thay đổi nghề nghiệp, cũng có nhiều nhân vật trong bài viết đã bị bệnh tật cướp đi, không còn sống trên cõi đời này.
Với ước mong những bài viết này in thành sách, trao tận tay những nhân vật trong bài viết làm quà tặng, và ước mong sẽ là cầu nối để các nhà hảo tâm có dịp tìm đến những cảnh đời nghiệt ngã “vươn lên”.

Cần Thơ ngày 28 - 5 – 2007
TÁC GIẢ