Thứ Hai, 15 tháng 10, 2007

Cổ tích đời khuyết tật

Chu Thị Hương nằm đó đã 33 năm sau một cơn sốt bị liệt tay chân, mông trái cũng
lép hẳn lúc mới 7 tuổi đương học lớp 2 ở ấp Nam Hải, xã Đại Hải (Kế Sách, Sóc
Trăng). Cơ thể Hương như còn bé, khuôn mặt khả ái hiện lên nét đẹp dịu dàng
thông minh. 33 năm, mọi sinh hoạt cá nhân hằng ngày nhờ cậy người chị ruột Chu
Thị Hường 44 tuổi và câu chuyện của chúng tôi cũng bắt đầu bên giường bệnh




Giọng nói đặc biệt dịu dàng, Hương tâm sự: “Chị Hường là người mẹ và cũng là người bạn thân thiết nhất đời em. Chị dạy em quên đi cảnh đời đau buồn câm lặng, dạy em kiên nhẫn đừng để đau đớn, khó khăn đánh gục mình, tạo cho em hy vọng để sống. Chị Hường là điểm tựa cho em níu kéo trong số phận nghiệt ngã”.
Dòng nước mắt nóng hổi tuôn dài trên má. Lúc sau, giọng Hương chậm và buồn: “Thương lo cho em mà chị chẳng chịu lấy chồng. Hồi đó em hay khóc lắm, một chút đau đớn, lo sợ là em đã tựa đầu vào bắp vế chị mà khóc và chị cũng cúi xuống khóc cùng em. Từ đó chị sống như chiếc bóng, quên đi đời thanh xuân tươi đẹp, mặc dù chị rất yêu anh ấy. Để em đọc mấy câu thơ người ta tặng cho em:

Nửa đời qua như em là hư ảo
Nước mắt khô - Thương chị đã lỡ làng
Nhớ chị - đôi lúc anh thường qua ngõ.
Thương thân em - Rượu đổ chẳng lấy chồng.

Tôi nhìn quanh căn phòng chật hẹp chỉ đủ kê chiếcgiường và đặt chiếc quạt đứng. Cô Hường ngồi chằm nón ở bên ngoài. Chu Thị Hường năm nay đã 44 tuổi nhưng đôi mắt, nụ cười còn ánh nét đẹp một thời và vẫn dịu dàng e ấp. Khi em bại liệt, Hường bỏ dở lớp 11 (1976) để ở nhà săn sóc, chạy chữa bệnh cho em. Hường kể:

- Em Hương bị bệnh, ai bảo ở đâu có thầy giỏi là cha tôi cùng tôi lại đưa Hương đến. Nằm ở bệnh viện Nhi đồng 2 hơn nửa tháng thì bác sĩ cho xuất viện vì không hy vọng bình phục. Tôi lại ẵm em tôi lên đại chủng viện Long Xuyên nhờ các cha trong họ đạo châm cứu. Nhớ lại thời bao cấp, hai chị em nằm ở bến xe hai ngày mới mua được vé xe đi Long Xuyên, xe chạy chưa đến bến đã đổ khách, mọi người đều vội đi, hai chị em bơ vơ, ngồi ôm nhau mà khóc. Đến nơi, được cha trong đại chủng viện châm cứu là mừng lắm rồi, mỗi tối cha dạy phải ẵm em đi dạo cho em thư giãn hơn nửa tiếng đồng hồ. Thế nhưng bệnh vẫn không lành.

Tôi nhìn chiếc nón chằm dở trên tay Hường, cô hiểu ý liền nói:

- Nhờ nghề chằm nón mà 25 năm qua, tôi không phải đi xa, vừa làm vừa săn sóc được cho em, ngày chằm được 1 cái bán 10.000 đồng, chị em chắt chiu dưa muối sống qua ngày.

Ông Chu Xuân Châm, 69 tuổi, nhìn hai cô con gái rồi nói:

- Cháu Hường thì cần mẫn, chịu khó suốt ngày ngồi chằm nón trông em, còn cháu Hương tật nguyền nhưng lại thông minh, sáng dạ, mọi công việc nhà cháu Hương nằm tính toán, sắp xếp công chuyện đâu vào đó. Hai chị em nó không rời nhau nửa bước, con chị hy sinh cho em, thỉnh thoảng người quen cũ lại thăm, tôi cũng đau lòng.

Ông Chậm nhắc đến chuyện tình của cô Hường khiến cô đỏ mặt lên vì e thẹn. Tôi gợi chuyện một lúc lâu, cô mới chậm rãi cho biết:

- Một ngày đầu đông cách đây 15 năm, tôi là đoàn viên đi làm công tác xã hội tại nhà thờ Trà Canh (Sóc Trăng). Lúc làm cỏ và dọn trong khuôn viên nhà thờ, chẳng may viên đá rớt đè chân tôi làm chảy máu, một thanh niên ở nhà kế bên chạy sang giúp đỡ rửa vết thương rồi băng bó cho tôi. Chúng tôi quen nhau từ đó. Anh ta là Đặng Quốc Tuấn, họa sĩ vẽ chân dung, quảng cáo, nhỏ hơn tôi 2 tuổi. Sau đó, anh thường lui tới thăm viếng gia đình và an ủi đứa em gái tật nguyền của tôi. Anh Tuấn dáng vẻ phong trần, quê ở Huế nhưng theo mẹ cùng hai em vào đây sinh sống. Cuộc sống gia đình trông cậy vào bàn tay tài hoa của anh, cũng nhờ anh vui vẻ nên có hàng vẽ hoài, mặc dù Trà Canh là nơi ít dân, đời sống người dân còn thấp. Tôi và anh đều nặng gánh bổn phận và vì lẽ đó mà tình yêu đến với chúng tôi thật sâu nặng mà cũng thật buồn. Anh thường đến nhà thăm chị em tôi vào buổi tối, lúc thì đem sách hoặc báo Tiền Phong, Công An cho chị em tôi đọc, có lúc anh tặng cho chị em tôi những bức tranh anh vẽ. Anh tặng cho tôi bức tranh có tựa đề “Nở muộn”, vẽ người con gái một tay đẩy xe lăn có người ngồi trên xe, tay kia cầm nụ hoa hồng chưa nở.

Mỗi bận Tuấn đến thăm chuyện trò chốc lát vì cửa nhà chật chội, nhưng ánh mắt họ đã nói hộ bao điều muốn nói. Cũng một đôi lần họ đưa nhau đi quán giải khát trong xóm ngồi tâm sự. Tình yêu của họ rất chân thành nhưng khó khăn trước mắt họ lại quá lớn, đó là bệnh tật của Hương và mẹ già cũng đau yếu quanh năm rất cần bàn tay chăm sóc giúp đỡ của cô. Lễ giáng sinh năm 1997, tại nhà thờ Đại Ngãi, hai người được phân công làm chung máng cỏ và hang đá. Dịp đó, Hường đã hứa với anh: “Bệnh của Hương nếu đỡ thì em sẽ về với anh”.

Nhưng bệnh của Hương lại ngày một có chiều hướng xấu hơn, những cơn mệt và khó thở ngày càng nhiều. Mười năm trôi qua, biết bao nhiêu đổi thay mưa nắng. Hôm nay, Hường vẫn không giấu được nỗi lo lắng:

- Hai năm nay em tôi thường nhức đầu và không ngủ được, nhìn hai mắt em thâm quầng thật đau lòng. Thấy em như vậy tôi lo sợ ngày nào đó Hương ra đi, tôi thật không đành lòng rời xa em.

Cô Hương đang nằm, ngẩng đầu lên nói:

- Mỗi mùa giáng sinh anh Tuấn đều lại thăm, nhưng năm nay anh không ghé nữa. Tính anh Tuấn cũng hay so sánh, trước đây tụi em ở nhà lá ngoài đường lộ thì anh lên thăm hoài, từ hôm anh Hai của em mượn căn nhà lá để bán vật liệu xây dựng, giao nhà của anh Hai cho tụi em ở, anh Tuấn lên thăm, thấy nhà cao cửa rộng, hình như anh ngại, thi thoảng anh mới ghé.

Cô Hường cúi xuống nói nhỏ: “Anh vẫn chưa chịu lấy vợ”.

Hương nói tiếp với tôi:

- Gần hết đời con gái chị lo cho em rồi, việc chị không lập gia đình, đối với em là nỗi day dứt không nguôi được. Anh biết không, trong các bài hát em thích và thương bài “Chị tôi” của chú Trần Tiến. Mỗi lần nghe hát đến đoạn… chị tôi chưa lấy chồng… là em lại khóc. Nhưng giục chị thì chị không chịu, em không còn biết làm thế nào.

Tôi ngước nhìn Hường, nụ cười buồn điểm dấu chân chim trên khóe mắt, tóc cô đã ánh vài sợi bạc.

Tôi nhìn ra mảnh sân trước nhà. Cây mai ở góc sân đã hé nụ. Nắng Xuân ấm đang về. Xuân về nơi đây không lỗi hẹn và tôi thầm ước Xuân sẽ còn kéo dài.

Không có nhận xét nào: