Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2007

Thợ sửa điện tử bằng miệng


Trên đường từ thị xã Trà Vinh đi xuống huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh ) vừa qua cầu Vĩnh Kim nhìn về bên trái có tấm bảng “ÚT ĐIỆN TỬ”. Đó là tiệm sửa chữa điện tử của anh Lê Văn Hiếp 48 tuổi, số nhà 3A, ấp Chà Và, xã Vĩnh Kim (Cầu Ngang,Trà Vinh)


Anh sinh ra trong gia đình có tới 10 anh em, vừa lúc mở mắt chào đời đã mang dị tật, hai chân, hai tay teo nhỏ, co quắp dị dạng. Tuổi thơ đến với anh là những ngày cực nhọc. Út Hiếp tâm sự : “ Cha mẹ cố gắng cho tôi đến lớp 7, so ra với các anh thì tôi may mắn hơn, suốt thơi gian đi học được cha mẹ và các anh thay đổi cõng tôi đi”.

Riêng anh chỉ xê dịch qua lại bằng cách dùng hai bàn chân lật ngược, hai mu bàn chân tiếp xúc với mặt đất.

Động cơ nào đưa anh đến với nghề sửa chữa điện tử, một nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ chính xác, trong khi hai tay anh không cử động được?

-Hồi nhỏ tôi suy nghĩ nhiều lắm, đi xin ăn thì không làm được. Còn muốn học một nghề gì đó phải tốn tiền trong khi gia đình tôi nghèo hơn nữa thân thể dị dạng tật nguyền của tôi chẳng ai nhận cho học.

Với ý chí vượt lên nghiệt ngã, với ước mong tự tìm cho mình một nghề để nuôi bản thân. Thế rồi, cơ may đến với anh, một người anh bà con học nghề vô tuyến điện ở TP Hồ Chí Minh về, Lê Văn Hiếp tìm đến mượn tài liệu về nhà tự học. Với lòng đam mê Hiếp đã kiên trì mày mò học hỏi. Nhờ sáng dạ và toàn tâm toàn ý, anh tiếp thu nhanh, ngoài ra anh nhờ bạn bè thương tình chỉ thêm cho bí quyết. Đời không phụ lòng anh, từ từ anh trở thành một thợ sửa chữa điện tử giỏi trong vùng.







Hiếp vui vẻ kể : “Cuộc sống của tôi là chuỗi ngày học hỏi không ngừng, khi đã thuộc lý thuyết về sửa chữa, thân thể tôi có nhiều khiếm khuyết, tôi phải học cách dùng bàn chân và miệng để thay thế đôi tay. Mới đầu thật khó khăn, vất vả, làm gì cũng lúng túng, nhưng với ước mong tự lập từ từ tôi tập quen dần, chức năng miệng và chân thay cho tay hầu hết mọi công việc như sử dụng chì hàn, chỉnh máy, cầm kim đo máy, miệng cắn mỏ hàn trong vị thế nào để hàn chính xác. Tôi luôn chăm bồi nghề nghiệp, phải học tên những linh kiện điện tử, những cách sử dụng băng, đĩa, máy truyền hình đời mới vì sợ nghề mình lỗi thời, lạc hậu rồi bị đói. ”

Chị Nguyễn Thị Đèo, người vợ đã chung sống 25 năm, rất thương anh, sẵn sàng chia sẻ niềm vui nỗi buồn, động viên an ủi anh trong cuộc sống cũng là nguyên nhân để anh thành thợ giỏi hôm nay, tiếc là hai người chưa có tíếng khóc trẻ thơ để căn nhà thêm ấm cúng.

Anh tâm sự: - Làm nghề này không có vốn, khó mà khá được, sống qua ngày là may lắm rồi. Có lúc mình cũng thấy hạnh phúc nhìn bà con, khách hàng hân hoan, vui vẻ nhìn mình sửa máy thành công.

Người xưa thường nói “ Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Còn anh Ut Hiếp thì đã 30 năm trong nghề vẫn trắng tay, làm ngày nào sống ngày đó trên căn nhà ăn nhờ ở đậu của bà con tốt bụng.
Ngoài những giờ lao động trí óc căng thẳng mệt mỏi, cây đàn guitar phím lõm là người bạn giải buồn của anh. Mỗi lần anh đàn, cây đàn để nằm, bàn chân ấn lên phím đàn thuần thục, bàn tay gảy dây đàn tạo nên âm thanh dìu dặt lôi cuốn lòng người.

Mặc dù anh cố gắng vượt bậc, nhưng vốn liếng không có nên cuộc sống nghèo khó vẫn đeo bám theo anh, tay nghề của anh mai đây dần dần đi vào mai một. Vì hiện nay, cuộc sống hiện đại văn minh, nhất là những sản phẩm nghe, nhìn. Hư ở bộ phận nào thì người ta thay thế bộ phận đó, trong khi anh không bán dụng cụ, linh kiện mà chỉ sửa chữa bằng lối xưa đã lỗi thời. Anh Hiếp vượt lên số phận tật nguyền, có một nghị lực phi thường, cần mẫn học hỏi để tự nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng cuộc sống hiện nay anh gặp quá nhiều khó khăn. Mong sao các cơ quan, đoàn thể tạo điều kiện giúp anh để bớt phần nào khó khăn.

Đôi tay cụt vun tồng tương lai





Anh như con chim cánh cụt cần mẫn, tay phải cụt gần cùi chỏ, tay trái cụt tới vai, những gì còn lại của hai cánh tay anh vin vào đó miệt mài lao động trên mảnh đất một công rưỡi cha mẹ để lại tự tạo cuộc sống cho riêng mình.

Anh là Trần Văn Thủ ở ấp Thới Thuận 2, xã Thới Thạnh (Ô Môn, Cần Thơ), con thứ năm trong gia đình 6 anh em, cha mẹ mất sớm, anh em đều lập gia đình và chẳng ai khá giả gì, anh sống một mình trong căn nhà lá tuyềnh toàng được cha mẹ để lại.

Anh Thủ tâm sự: “Năm nay tôi 41 tuổi, tuổi thơ nghịch ngợm theo bạn bè lấy thuốc đạn dồn vào ống típ đốt chơi, thuốc đạn bốc cháy đã lấy đi hai cánh tay lúc tôi 10 tuổi, đến nay hơn 30 năm rồi. Lúc cha mẹ không còn trên cõi đời này, vì miếng cơm manh áo, tôi làm đủ mọi công việc, có lúc bằng cẳng tay, có lúc làm bằng hai chân, phải cật lực, bươn chải để tìm sự sống cho mình và tôi đã sống được”.

Công rưỡi đất cha mẹ để lại, anh chăm chỉ gieo trồng như một nông dân thực thụ, không cho đất nghỉ. Cuộc sống của anh là một nắng hai sương, cây màu này cho trái, cho củ thu hoạch xong anh lại gieo cây màu khác, trung bình một năm thu hoạch được 4 đến 5 triệu đồng. Anh còn đi làm mướn kiếm thêm tiền như đào hộc mía, ban đám mạ…

Mặc dù hai tay không còn nguyên vẹn, nhưng anh Thủ làm được mọi công việc như nấu cơm, vo gạo, rửa chén, xắt rau cải, xách nước tưới cây, đào đất. Anh nhổ cỏ bằng hai chân kẹp lại, bắt cá cũng vậy, anh bắt cá lóc bằng chân rất tài tình, ai cũng đều phục tài của anh.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Mặt trận xã Thới Thạnh cho biết: “Anh Trần Văn Thủ siêng năng và chịu thương chịu khó lắm, tự tìm miếng cơm manh áo bằng mồ hôi ướt đẫm của mình, anh đã làm được nhiều việc và chưa khi nào anh tỏ ra chán nản hay than vãn sự khó khăn phải đối diện công việc từng ngày. Chúng tôi rất cảm phục và yêu mến”.

Về mơ ước, anh không ngần ngại nói: “Mong sao được các cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp cho đôi tay giả để lao động dễ dàng hơn”.

Hỏi về bạn gái, anh cười không nói.



Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2007

Cô gái mù hiếu thảo




“Tôi sống đến ngày hôm nay là nhờ vào đứa con gái mù lòa gặt thuê cấy mướn, nó làm đủ mọi công việc kiếm gạo nuôi tôi. Thấy con mù lòa phải quần quật làm thuê suốt tháng suốt năm, nghĩ mà nhói cả lòng” – Lời của bà Huỳnh Thị Hai, 72 tuổi, cụt chân, mẹ của cô gái mù Nguyễn Thị Chậm ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây (Vị Thủy, Cần Thơ) thật cảm động.

Nguyễn Thị Chậm sinh năm 1966, di chứng ban sởi đã làm mù đôi mắt lúc cô 11 tuổi. Gia đình nghèo, không đất đai nên dù mù lòa cô vẫn phải lao động cật lực để kiếm cơm ăn, nuôi mẹ già vừa bị cụt chân, cổ lại bị bướu hành hạ. Cô không từ công việc gì người ta thuê mướn như cấy lúa, gặt lúa, làm cỏ, trồng màu…về nhà thì nấu rượu, nuôi heo…

Cô Chậm tâm sự: “Người sáng mắt họ làm nhanh, còn mù như em làm chậm, ba ngày mới gặt xong một công lúa chỉ được 35.000 đồng. Nhờ siêng năng cần mẫn nên được bà con thương, việc gì khả năng em làm được bà con kêu làm. Đời làm thuê làm mướn nhiều gian khổ, nhất là phải ngâm mình trong nước bùn, gặt trong ruộng lúa khép kín của đê bao còn giữ thuốc trừ sâu, phân bón, hóa chất. Mẹ em đau ốm, bệnh tật nên em càng phải cố gắng làm để kiếm tiền giúp mẹ”.
Nhìn căn nhà trống trước hở sau, một cô gái mù với mẹ già cụt chân vin tựa vào nhau để sống, chúng tôi không khỏi bùi ngùi thương cảm.

Anh Nguyễn Văn Nở, Chủ tịch Hội người mù huyện Vị Thủy (Cần Thơ) nhận xét: “Cô Nguyễn Thị Chậm là hội viên tiêu biểu về lao động và là người con hiếu thảo. Cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng cô không bao giờ than phiền hay oán trách”.

Nhọc nhằn gian khổ trên đường kiếm bát cơm manh áo cho gia đình. Vậy mà cô Chậm luôn nở nụ cười, bằng sức lao động, bằng mồ hôi ướt đẫm của mình để kiếm đồng tiền bát gạo nuôi thân và mẹ già. Thật đáng trân trọng.

Tấm lòng nhân ái



Tại điểm sửa xe gắn máy, xe đạp tại ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Lợi đối diện chợ Trà Vinh, ông thợ sửa xe là một người khuyết tật, hai chân liệt và một tay teo nhỏ, tất cả công việc chỉ nhờ vào tay trái. Gặp chúng tôi, anh vui vẻ cho biết:

- Tôi là Lê Trường Thọ, năm mươi tuổi, con thứ ba trong gia đình 7 anh chị em, bị bệnh sốt bại liệt lúc 3 tuổi và từ đó trở thành khuyết tật.

Sinh trong một gia đình nghèo, đông anh em, vào năm 1969 anh cố gắng vượt mọi gian khổ cố gắng học lấy một nghề để nuôi thân.

Cuộc sống của anh tạm đắp đổi qua ngày, thì người em ruột của anh là Lê Thành Tài bị thương cụt hai chân ở chiến trường. Năm 1986, Tài trở về. Anh là thương binh 1/4.

Thế là tiệm sửa xe của anh có thêm một người khuyết tật, hai anh em đều biết rõ những nỗi khó khăn, trở ngại về di chuyển của những người cùng chung số phận, đồng tâm hiệp lực, sau nhiều ngày nghiên cứu, tìm mua những máy cũ về mày mò và chế ra chiếc xe ba bánh, có bộ phận đề, cần số bằng tay để người khuyết tật đi lại dễ dàng và nhanh chóng. Chiếc xe ba bánh đầu tiên ra đời vào năm 1991. Cho đến nay, hơn 15 chiếc đã được sử dụng, đặc biệt những chiếc xe sau này có số de để người khuyết tật dễ dàng chạy lui được, giá cả từ 2 triệu đến 5 triệu, toàn bộ máy móc đến lúc hoàn chỉnh, trung bình một chiếc làm mất 8 – 10 ngày.

Ngoài ra, hai anh còn chế xe ba bánh lắc tay. Năm 2001, hợp đồng với Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Trà Vinh làm 10 chiếc, tiền công 300.000 đ/chiếc.

Ngay tại điểm sửa xe của hai anh là nơi dang rộng vòng tay đón những em lang thang cơ nhỡ, những người thiếu may mắn, đều được anh nuôi và cho học nghề.

Anh Tài tâm sự:
- Tụi tui nghèo lắm nhưng cái lò sửa xe này đã nuôi nhiều em ăn, ở, học thành nghề vững vàng, hiện tại tụi tôi đang nuôi dạy nghề 3 em.

Anh đưa tay chỉ giới thiệu mấy em đang học nghề, em Phan Quang Tý 17 tuổi, mồ côi cha mẹ, sống lang thang đem về nuôi ăn ở, học nghề được 2 năm. Em Thạch Tương 17 tuổi, mồ côi cha mẹ, ở được 1 năm. Em Trương Việt Quang cha chết, mẹ đang ở tù.

Làm nghề ở đây còn gia đình các anh ở đâu? Tôi hỏi:

- Tôi có vợ, 4 con, nhà ở ấp Tầm Phương, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành (Trà Vinh). 4 đứa con tôi đều cho học hành, đứa nào cũng đạt khá, giỏi. Còn Thọ em tôi có vợ hai con, được Nhà nước cấp cho nhà tình nghĩa ở 160 khóm 8, phường 7, thị xã Trà Vinh.

Hai anh có ước mong gì? Tôi hỏi tiếp.

- Chúng tôi mặc dù khuyết tật, luôn luôn vượt khó vươn lên, cảm thông những người cơ nhỡ, tấm lòng chúng tôi luôn luôn rộng mở đón nhận những trẻ mồ côi, khuyết tật, vận động về dạy cho họ có nghề nghiệp tự mưu sinh, bớt gánh nặng cho xã hội. Chúng tôi ước mong làm có tiền, sắm chiếc máy điện thoại, để các nơi cần liên hệ được dễ dàng.

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2007

Ông già mù với nghề đốn cây mướn

Ngày ngày, người đàn bà tay cầm cưa, tay xách giỏ đồ nghề đi trước, người đàn ông đi sau, vai mang cuộn dây thừng, bàn tay đặt trên vai người đàn bà. Họ lặng lẽ đi, về bên nhau gần 40 năm, từ khi ông còn là một thanh niên, nay đã 71 tuổi…





Bà con ở phường Bình Thủy, không ai lạ gì ông Tám mù, bởi ông bị mù cả hai mắt. Đã mù còn làm nghề đốn cây, đào gốc, cưa cây, hái dừa, những cái nghề đòi hỏi đôi tay khéo léo và đôi mắt tinh tường…

Tên của ông là Lê Văn Hòa, ở cuối hẻm 5, số nhà 52/6 Bùi Hữu Nghĩa, Phường Bình Thủy, TP Cần Thơ, tỉnh Cần Thơ. Gương mặt nhiều nếp nhăn, hai hố mắt trũng sâu, dáng người khắc khổ nhưng các cơ bắp vẫn còn rắn chắc. Ông Tám bộc bạch: “Tui mù năm 15 tuổi, hồi đó nhà nghèo lắm, phải đi giăng câu phát mướn, giăng câu bằng mồi con trùn, tối trời nên móc trùn vào lưỡi câu, nước dịch ở trùn bắn vào mắt nhiều lần, gây ngứa ngáy chảy nước mắt, đau nhức, rồi mờ dần và mù hẳn vào năm 1946”.

Đôi mắt không còn thấy ánh sáng, nhưng gian khổ, đói rách thì vẫn nguyên vẹn, buộc ông phải lao động kiếm sống. Số phận đưa đẩy ông Tám chọn cái nghề đốn cây, bẻ dừa… Ông Tám chậm rãi nói: “Cháu ơi! Bác tưởng mình mù lòa làm việc này tạm bợ, ai ngờ như có nợ với nhau, đeo đẳng từ lúc chưa sinh đứa con gái, nay nó đã 38 tuổi…”.

Trước đây ông đã có một đời vợ, người đàn bà sinh xong đứa con gái rồi ẵm con đi biệt, đau khổ vì thương nhớ vợ con, nhưng mắt mù không thể đi tìm. Người bạn đời sau này, gắn bó để chia sẻ với ông là bà Nguyễn Thị Tám, nay cũng đã 66 tuổi. Người chồng trước kia của bà Tám là liệt sĩ, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bà Tám kể lại, khi chồng bà hy sinh, bà vừa làm dâu vừa nuôi con, được ba năm thì cha mẹ chồng đứng ra gả bà cho ông Tám Hòa. Lúc đó bà 28 tuổi. Hai người chung sống cho đến ngày hôm nay, bà vừa là vợ vừa là người dẫn đường, dìu ông đi, về gần 40 năm trong nghề đốn cây. Bà Tám kể lại những khó khăn, cực khổ mà ông Tám nuôi dưỡng đứa con riêng của bà từ sáu tuổi đến năm 18 tuổi thì cưới vợ cho nó. Nay con bà đã 48 tuổi, còn hai ông bà chung sống với nhau có bốn con, hai trai hai gái. Tôi hỏi ông: “Nghề đốn cây, với đôi mắt không thấy gì, có lúc nào nguy hiểm không?”. Ông Tám không cần nghĩ ngợi trả lời: “Nhiều lắm, nhưng có hai lần, quên thì thôi, nhớ lại không khỏi rùng mình sởn gáy…”. Ông Tám đốt điếu thuốc, hít hơi dài chậm rãi kể: “Năm đó tôi 51 tuổi, đốn cây so đũa to và cao trên 16 mét. Khi tôi bứt khúc ngọn ở độ cao chừng 11 mét, sợi dây buộc ngọn cây bị vuột, như đòn bẩy bung lên, bắn tôi cao từ 11 mét rơi xuống đất. Nhờ ơn trời nâng đỡ sao đó, tôi không bị thương gì nặng chỉ uống mấy viên “Trật đả hoàn” rồi lại đi làm. Lần khác, thằng cháu leo lên tiện khúc đọt dừa, tôi đã nhắc nó đốn một mé, cột dây xong mới đốn mé đối diện. Nhưng nó cãi tui, chẳng chịu cột dây. Khi nó la lớn thì khúc dừa đã gãy lìa. Tui mù đâu thấy đường mà chạy, liều đứng một chỗ, khúc dừa rơi cào mạnh vào lưng, tôi chúi mũi đằng trước, nguyên cả lưng trầy nát. Chỉ cần nhích tới một chút là cái đầu tôi dẹp lép rồi…”.

Ông Hòa thở dài nói tiếp: “Nghề này gian nan vất vả lắm cháu ơi, có lúc nhiều ổ ong vò vẽ đóng trên cây, mấy người sáng mắt họ biết nên không nhận làm, bác mù không thấy, như người điếc đâu còn sợ súng, có lúc leo lên đốn cây, ong đốt buông lỏng chân tuột ào xuống gốc cây, về nhà sốt hai ba ngày. Chao ôi ! Cái nghề cực khổ, nguy hiểm. Có điều đáng mừng là trong mấy mươi năm làm nghề, nhiều lúc đốn những cây to lớn, hay những cây sát cạnh nhà người ta đều an toàn không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Bây giờ chuyện ong đốt đối với ông Tám là chuyện bình thường, ông đã chai lì dần trước cảm giác những nỗi đau thể xác. Ông Tám vừa cười vừa nói: Người ta nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” mà tôi chẳng thân vinh chút nào. Cái nghề đốn cây, tay rời cây cưa, cây búa là đói, là phải lo đi làm. Vả lại lao đọng quen rồi, ở nhà chịu không nổi. Cũng nhờ ơn trời tôi còn khoẻ mạnh lắm. Những công việc như bửa củi, đào gốc, hái dừa tôi đều làm hết. Bẻ một cây dừa là 2000 đồng, đào 1 gốc cây tùy thuộc vào lớn nhỏ giá từ 80000 đồng – 120000 đồng. Cưa cây củi thước từ 30000 đồng – 50000 đồng một thước cây”.

Ông Tám thở dài giọng buồn buồn: “ Nhiều năm rồi bác chưa một lần may quần áo, quanh năm quần quật chỉ mặc chiếc quần lồng, làm được bao nhiêu tiền thì lo cho con, cho cháu”.

Ông kể đứa con trai út 27 tuổi, chẳng lo làm ăn, rượu chè bê tha rồi ẩu đả, rốt cuộc đi cải tạo ở Bến Giá (Trà Vinh). Bây giờ bỏ con không đành mà ôm con không nổi. Hai vợ chồng già nhịn ăn, nhịn uống, chắt chi hai ba tháng thăm nuôi bới xách một lần, có dè xẻn cũng mất bốn, năm trăm ngàn đồng. “ Mấy anh chị con ông bà có giúp đỡ gì không?”, tôi hỏi. Bà Tám chậm rãi nói: “ Con đứa nào nó cũng nghèo, mong sao nó nuôi được bầy con nó là mừng rồi, nghe nói nhà nước sẽ cấp cho tôi nhà tình nghĩa…”

Từ giã ông Tám ra về mà lòng nạng trĩu, ước mong sao ông được những vòng tay nhân ái giúp cho ông để tuổi già tránh bớt rủi ro.

"Lò vẽ" tại gia

Cơ sở vẽ tranh trên áo, trên lụa ở địa chỉ số 72/14A Đề Thám ( Ninh Kiều, Cần Thơ), là địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng trong và ngoài nước thường đến đặt hàng vẽ tranh trên áo, trên lụa… Đồng thời nơi đây cũng là lò vẽ tại gia mà 15 năm qua đã đào tạo hơn 50 học viên tốt nghiệp trong nghề vẽ tranh trên áo.Lò vẽ ở đây rất đặc biệt: Người thầy dạy vẽ này là người khuyết tật, mất cả hai cánh tay và chân phải bị cụt lên đến gối.


Anh là Trần Hùng Bảo, chủ nhân lò vẽ. Nói là lò vẽ chứ thật ra mỗi khoá anh Bảo chỉ đào tạo 2 hoặc 3 học trò. Đây là lò vẽ đặc biệt tại Cần Thơ, xuất hiện khá sớm (1992) và duy trì đến hôm nay. Khi hỏi về nguyên do lò vẽ ra đời anh Bảo vui vẻ : Có nhiều khách hàng đến vẽ áo, cảm nhận nét vẽ trên áo vừa đẹp, màu sắc phù hợp từng loại vải, màu vải, đường nét mềm mại, uyển chuyễn, thẩm mỹ, mang tính nghệ thuật nên họ đam mê xin theo học, có người giới thiệu bà con đến học.

Lớp học vẽ tranh trên áo của Hùng Bảo phần đông là chị em phụ nữ và một số ít nam giới. Thường một khoá học của anh người nhanh nhất là 4 tháng người chậm có khi 1 năm. Qua 15 năm đào tạo, học trò anh có người mở tiệm, có người về quê làm và nối nghiệp dạy vẽ tranh trên áo như anh. Để có thành công nhất định trong ngày hôm nay, đôi mắt Hùng Bảo nhìn về phía xa bồi hồi kể lại:
Cách đây 35 năm (1971) trong lúc đứng chơi gần cột điện, dòng điện cao thế giật và hủy hoại thân thể của tôi. Tại nạn hiểm nghèo đã làm mất 2 cánh tay và một chân.

Từ đó tôi trở thành đứa trẻ tật nguyền, ngày ngày đôi mắt khao khát nhìn những bạn bè trang lứa đi học. Cơ may trong đời đến với tôi, một bác sĩ chuyên khoa tận tình giúp đỡ, thiết kế chiếc chân giả để tôi tiện bề đi lại một mình, đồng thời nghiên cứu thiết kế một tay giả bằng kim loại tự sử dụng và hoạt động như các ngón tay bình thường, từ đó tôi làm được nhiều việc thông dụng.

Năm 1976, đời học sinh trở lại với anh, anh luôn cố gắng vươn lên trước hoàn cảnh khó khăn nghiệt ngã, anh miêt mài rèn luyện mọi công việc bằng cánh tay giả. Trời không phụ kẻ có chí, sự kiên trì, cần mẫn của anh được đáp đền. Năm 1983, anh đã tốt nghiệp phổ thông trung học. Con đường đi vào đại học quá xa với đối với người khuyết tật như anh. Sau nhiều lần suy nghĩ, anh tìm cho mình một tương lai là đi học “vẽ chân dung” để có một nghề nuôi lấy bản thân. Với lòng đam mê, ý chí quyết tâm và sự tận tâm của các thầy nên không bao lâu anh đã họa được nhiều bức chân dung trước sự trầm trồ của bạn bè. Từ đó, Hùng Bảo nắm vững các nguyên tắc về vẽ chân dung, về kỹ thuật pha màu. Anh đã mạnh dạn mở cơ sở vẽ chân dung. Qua 7 năm hành nghề vẽ anh nhận xét: Nghề vẽ chân dung vất vả, thu nhập không bao nhiêu, hướng đi của nghề không phát triển.

Thế là không ngại gian khó để tìm hướng đi mới cho mình. Năm 1990, anh đi học vẽ áo dài, một loại hình nghệ thuật mang tính sáng tạo và thời trang. Thời gian đi học đối với anh rất trở ngại và khó khăn. Quá trình học chỉ biết nghe và nhìn, về nhà mới mày mò vẽ thực hành, ngày mai đem lại thầy sửa, những mẫu vẽ nhiều lần thất bại, phải vẽ đi vẽ lại. Nhờ lòng kiên trì, ý chí quyết tâm, cuối cùng anh cũng đạt theo ý muốn của mình.


Là một người chịu khó học hỏi, anh đã thể hiện những tranh vẽ trên áo, trên lụa có hồn riêng, thể hiện tài hoa của người vẽ. Và kết quả Hùng Bảo đã dùng cây cọ qua bàn tay giả làm cầu nối với khách hàng trong cũng như ngoài nước.

Đa số hàng vẽ của Hùng Bảo thường là khách hàng đến đặt, thợ may đem lại, Việt Kiều…
Trong những năm tháng dạy vẽ cho học trò của mình, Hùng Bảo luôn tận tâm chỉ dạy vì anh anh luôn nghĩ học trò của mình là đứa con tinh thần. Ngoài ra với lòng nhân ái, Hùng Bảo thường giúp đỡ, dạy cho các em có hoàn cảnh nghiệt ngã có được tay nghề và còn tìm công ăn việc làm cho các em.

Huỳnh Thị Tố Quyên 19 tuổi ở Châu Đốc đến học nghề 1 năm thố lộ: Ba em mất lúc em còn nhỏ, mẹ đi làm xa, ở với cô nghèo khó. Thầy Bảo dạy giúp trong hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, thầy còn nhận em làm việc để có công ăn việc làm nuôi thân.

Để phát triển nghề nghiệp, Hùng Bảo luôn trau dồi nghề nghiệp, nghiên cứu, sưu tầm báo ảnh, tìm những mẫu vẽ trên cataloque mà người mẫu thời trang thường sử dụng vì nghề vẽ là một thế giới nghệ thuật.

Trên căn nhà bình dị ở đường Đề Thám ( Ninh Kiều, Cần Thơ) Trần Hùng Bảo với đôi tay, một chân không còn nguyên vẹn, vươn lên những nghiệt ngã đói nghèo chung sống hạnh phúc bên người vợ và 2 con thân yêu, Hùng Bảo còn truyền nghề góp phần ươm mầm nghệ thuật cho đàn em thân yêu .

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2007

Khát vọng sống của một số phận khổ đau


Số 91/31 đường 30 tháng 4, phường Hưng Lợi (TP Cần Thơ) là nhà cô Chủ nhiệm Bùi Thị Hồng Nga kiêm văn phòng liên lạc của CLB Khuyết tật tỉnh Cần Thơ. Căn phòng riêng êm ả, cô Phan Thị Lượm ngồi thêu trên chiếc xe lăn. Mỗi khi tác phẩm hoàn thiện, cô luôn được mọi người trầm trồ khen ngợi. Cô cho biết: “Được ngồi thêu nơi đây, tâm hồn thanh thản là điều hạnh phúc diệu kỳ với em”. Cô tâm sự, giọng nhỏ nhẹ nhưng tôi bàng hoàng nhận ra trước mắt mình là một số phận kỳ lạ, đầy đau khổ bầm dập, mãnh liệt khát vọng vươn lên.


Lượm kể: “Tôi là đứa con thứ 7 trong gia đình 7 anh chị em. Lúc lên năm tuổi, cơn sốt bại liệt quái ác làm cho đôi chân tàn phế, phải lết chứ không đi bằng tó được và cũng từ đó tôi là đứa con kém may mắn trong gia đình. Việc đi lại quá khó khăn, năm 11 tuổi học đến lớp 2, tôi nghỉ học”.
Những ngày tháng nằm ở nhà, cảm giác của người vô dụng, ăn bám hành hạ cô. Lượm muốn xin đi học một nghề nào đó, nhưng gia đình nghĩ Lượm chẳng làm được việc gì. 16 tuổi, cô đi học nghề thêu. Một lòng quyết tâm học hỏi, với sự thông minh vốn có, chỉ 10 ngày cô tự thêu được. Hàng cô nhận thêu đạt kết quả tốt. Qua thời gian 5 tháng trong nghề thêu, cô quyết sống tự lập nên bỏ nhà ra đi.


Lượm lên TP Hồ Chí Minh xa lạ. Đơn độc, đói cơm khát uống, cô ngồi bên lề đường ôm mặt khóc. Đến chiều tối, có một người đàn ông đến hỏi thăm. Ông tên là Phan Bá Vinh – Phó giám đốc xưởng thêu xuất khẩu mặt hàng trắng cho Hà Nội. Biết cô gái tật nguyền biết thêu, ông cho về nhà ở, nhận làm con nuôi và cho cô đi làm.


Ăn ở tại nhà cha nuôi và đi làm nghề thêu được hai năm. Cha nuôi được vợ bảo lãnh đi Úc. Khi đi, ông chia gia tài lại cho em trai ông 5 phòng, chia cho Lượm 1 phòng ở quận Tân Bình. Người em trai của ông cha nuôi tìm mọi cách gây khó khăn. Biết không thể ở, Lượm trả lại căn phòng ra đi.
18 tuổi Lượm trở lại gia đình, theo cha lên Trung tâm chỉnh hình mổ đôi chân. Nằm chữ trị một năm, hai chân mổ 4 lần nhưng vẫn không đi lại được và càng ngày càng teo nhỏ lại.


21 tuổi, Lượm lại làm một cuộc ra đi mới để mưu sinh. Lần này cô ra đảo Phú Quốc với ý định nương nhờ người cậu. Nhưng ra đến đảo Lượm rất thất vọng vì không như ý nghĩ ban đầu, đành quay lại bến tàu trở về đất liền. Ở đây Lượm gặp chị Nữ, hai người tâm sự. Chị Nữ đã mời Lượm ra nhà chị ở Hòn Mây Rút (tỉnh Kiên Giang) thăm cho biết.


Mặc dù thâm tâm rất lo sợ, nhưng Lượm cũng đánh bạo theo chị Nữ để tìm cuộc sống. Hòn đảo nhỏ chỉ có mười mấy gia đình sinh sống, xung quanh bốn bề là biển cả mênh mông. Đời sống của họ êm đềm, ngư dân hiền lành, chất phác và họ mù chữ.


Lượm được gia đình chồng của chị Nữ là ông Châu Văn Bi cảm thông và thương mến, nhận làm con nuôi trong gia đình 9 người con trai. Công việc của Lượm là làm sao truyền bá cái chữ cho bà con trên hòn. Tuy học chỉ đến lớp hai, vậy mà chưa đầy bốn tháng đốt đèn dạy học, bà con trên hòn biết đọc, biết viết. Họ đã tổ chức buổi tiệc ăn mừng thoát “dốt”.


Ở đó, Lượm rất được mọi người tin yêu, giúp đỡ. Có một điều làm Lượm buồn là người anh nuôi thứ sáu hay đùa giỡn với tật nguyền của cô, chạm vào vết thương sâu kín trong lòng cô, không chịu nổi, cô lại buồn khổ ra đi.


Lượm nhớ lại: “Những thua thiệt, chán chường đè nặng trong tôi. Bỗng tôi nhớ đến cô bạn gái cùng số phận tật nguyền ở Campuchia, đã điều trị cùng tôi ở Trung tâm chỉnh hình Cần Thơ. Thế là tôi sang Campuchia tìm cô, gặp được cô bạn Phạm Thị Mỹ Thu, mừng quá tôi khóc như con nít”.
Cuộc sống mới của Lượm lại bắt đầu. Ngày ngày cô bán thuốc hút, được bà con thương cảm, thuốc lá bán rất chạy. Trong số khách hàng quen thân, có anh Lê Thành Hùng là người thường hay lui tới thăm hỏi. Hoàn cảnh xa quê, không họ hàng thân thích, nên tình cảm trai gái dễ xích lại gần nhau. Cô cũng biết đôi chân cô teo rút, ngồi lết đi như vịt đẹt, vậy mà mỗi lần gặp anh là tim cô rung lên, cái rung cảm của người con gái làm cô lo sợ. Anh cứ ân cần chăm sóc, thăm hỏi. Cô ấm lòng, được che chở. Dần dần cô xem anh như một phần cuộc sống của cô.


Một ngày, điều cô mơ ước nhưng không dám chờ đợi đã đến. Đó là lời cầu hôn của anh. Phía anh có người anh ruột, phía cô có cha đẻ. Hai người nên vợ nên chồng trên đất người.
Chung sống được tám tháng, cái thai trong bụng Lượm lớn lên. Cô hạnh phúc nhưng thật vất vả. Hai chân như hai khúc mía đong đưa, cái bụng phình tròn, mặt mày xanh xao, hốc hác. Mỗi lần sờ vào bụng, ôi cái sinh linh bé nhỏ, một phần máu huyết của cô sắp sửa chào đời, cô quên hết tật nguyền.


Thế rồi một hôm, chồng cô nhậu say về, anh chỉ vào cô nói: “Cô lo nuôi con chứ tôi đi vượt biên à!”. Anh nói như đùa cợt, thách thức, còn cô đứt từng khúc ruột. Linh tính mách rằng, chồng cô không đùa.


Con tàu đưa anh đi đúng như lời anh nói. Lượm làm sao giữ được anh, ngay cả đôi chân của mình cũng không điều khiển nổi, huống là… Cổ họng cô mặn đắng, đưa tay áp lên bụng, ngồi khóc nức nở. Lượm hiểu rõ rằng, bắt đầu từ hôm đó sự nghiệt ngã tật nguyền trở lại với cô nặng nề, khủng khiếp hơn.


Lượm không đủ can đảm ở lại Campuchia. Hành trang trở về là cái bụng bầu và hai cái đòn ngồi lết. Cô đến thành phố Hồ Chí Minh ở chờ ngày sinh nở tại BV Từ Dũ. Đến ngày sinh, cô phải lên bàn mổ để đưa cháu bé ra, xung quanh cô không một người thân thích. Cô làm tròn nhiệm vụ của người mẹ với bao hiểm nguy và cô đặt tên cho con gái là Phan Thị Hoài Hận, sinh ngày 16/5 Giáp Tý 1984.


Mẹ con Lượm sống ở bệnh viện nhờ vào tình thương của mọi người xung quanh. Khi sinh được một tháng, sức khỏe có phần hồi phục, cô gởi con lại cho bà đỡ, để về quê nhờ mẹ lên ẵm con về. Nhưng về đến quê cô lại bị bệnh, hai tháng sau mới quay trở lại, bà đỡ và con đã biến mất. Bệnh án cũng không tìm được. Vậy là cô mất con.


“Chồng ra đi tôi không giữ được đã đành, con tôi là máu thịt của tôi, tôi cũng không bảo vệ nổi – Lượm chùi nước mắt nhớ lại – Tinh thần của tôi hoảng loạn tột cùng, ý thức mất còn không có ý nghĩa. Qua nhiều ngày lê lết tấm thân tàn tìm con, hy vọng mong manh gặp con tan biến. Tết Trung thu năm 1985, tại căn nhà trọ ở TP Hồ Chí Minh tôi đã uống rất nhiều thuốc ngủ để vĩnh biệt cõi đời. Khi tỉnh dậy, mọi người cho biết tôi đã được súc ruột và nằm phòng lạnh 8 ngày mới tỉnh. Cuộc đời của tôi là bệnh tật, là đổ vỡ, là biệt ly. Khi nhìn con nít nhà ai là lòng tôi quặn thắt và một lần nữa tôi lại uống thuốc để kết liễu đời mình tại công viên bến Ninh Kiều (Cần Thơ). Nhưng hình như tôi còn nợ trần gian quá nhiều nên tôi lại được cứu”.


Lượm quay lên lại TP Hồ Chí Minh, cố gắng kiếm việc làm và có thời gian tìm con. Trong thời gian xin việc, cô bán tất cả thứ gì bán được để mua cơm ăn sống qua ngày. May mắn cho cô, có người chỉ cho công ty thêu hàng Kimono Đài Loan tại đường Trần Phú (Quận 5) đang tuyển thợ thêu. Cô đến thi tay nghề, đạt loại giỏi và làm việc tại đó.


Thêu được 5 năm, con mắt bên phải bỗng nhiên nhìn không rõ, cô đi chữa trị, công ty đài thọ cho 5 tháng lương. Kết quả bệnh án là cô không còn đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc. Trong thời gian này, chồng cô có gởi thư hỏi thăm đứa con. Cô trả lời đứa con bị thất lạc, từ đó không còn tin tức chồng nữa.


Những tháng ngày sau này, bệnh tật vẫn luôn hành hạ thân cô.


Một lần mổ ruột thừa, hai lần mổ bướu độc ở ngực (Viện Pasteur xét nghiệm cho biết). Cơ thể còm cõi của cô tính đến nay đã qua 8 lần mổ và sau này cô thường có bệnh nhức đầu. Nhưng cô vẫn xuôi ngược đi làm tự nuôi thân.


Năm 42 tuổi, Lượm tìm đến CLB Khuyết tật tỉnh Cần Thơ. Ở đây Lượm đã gặp được chị Bùi Thị Hồng Nga – chủ nhiệm CLB – với khuôn mặt hiền hậu, nhã nhặn. Chị đã mở ra một thế giới cho những người không may mắn như Lượm tìm thấy viễn ảnh cuộc sống tươi sáng. Lượm nói: “Chị đã cho tôi biết thế nào là cuộc sống có ý nghĩa. CLB Khuyết tật là cơ sở cho tôi bám víu, chính nó đã vực dậy, đã dập tắt tình trạng hoảng loạn trong tôi cùng với những mảnh đời kém may mắn vươn lên”.


Lượm dừng lời. Khuôn mặt tái xanh, vẻ cam chịu đưa cô chìm đắm sâu vào cõi mông lung cùng ánh mắt nhẫn nhục nhìn xa xăm. Lượm kể về đời cô mà tôi ngỡ như nghe được bao số phận. Tôi hiểu thêm sự khủng khiếp của tật nguyền, nghị lực vươn lên quyết liệt của Lượm, của tình yêu cuộc sống. Tôi nghĩ về 43 thành viên của CLB Khuyết tật Cần Thơ đang chung sống yêu thương, đùm bọc nhau, họ thật yếu ớt mà thật mạnh mẽ.


Mơ ước hôm nay của Lượm là gì? Có 2 mơ ước: Tìm được đứa con và một chiếc xe lăn lắc tay để có thể di chuyển dễ dàng.

Gà trống "mù" nuôi con

“ Mù như tôi lấy được vợ mắt sáng thật là diễm phúc. Tôi không từ nan một việc gì để kiếm tiền nuôi vợ con. Vậy mà tôi và hai con tôi không giữ nổi chân của người đàn bà vô tâm”. Lời tâm sự miễn cưỡng của người đàn ông không muốn ai biết hoàn cảnh hẩm hiu của mình qua mười chín năm nhọc nhằn làm thân “ gà trống mù” nuôi con.


Cha mẹ đặt tên cho anh thật đúng Nguyễn văn Hiền, hiền như cục đất, 47 tuổi ở ấp Long Thạnh 2, xã Long Phú ( Long Mỹ, Hậu Giang) hai mắt mù do di chứng của bệnh từ nhỏ. Anh nhớ vanh vách nỗi đau đớn của mình, vợ bỏ đi tám lần. Lần thứ tám là lần cuối cùng người đàn bà ấy không quay lại cùng cha con anh nữa mà ở với người đàn ông khác ở xã Thuạn Hưng, Long Mỹ.

Với dáng người nhỏ con, cam chịu lại xuề xoà, nhớ lại những lúc vợ chồng chung sống cho đến lúc bỏ đi anh tâm sự :“ Tháng 11/1986, bà con đến chung vui đám cưới và chúc tụng vợ chồng chúng tôi trăm năm hạnh phúc. Vợ tôi mắt sáng như mọi người, tôi sống thật hạnh phúc, luôn tất bật với công việc để gầy dựng, vun bồi mái ấm.


Mùa khô tôi đi mò cá, ngày nào cũng kiếm được cá bán, bà con ai cũng cho tôi có tay “ sát ngư ”. Mùa mưa ngồi vót nan đan lợp, vót cần câu cắm bán. Ngoài ra, tôi còn làm thêm các việc linh tinh bằng sức lao đọng miễn có tiền thu nhập. Cuộc sống chẳng giàu có gì, nhưng gia đình sống êm ấm hạnh phúc. Năm sau, đứa con gái đầu lòng ra đời, tôi rất sung sướng mình đã được làm cha. Để bù đắp, san sẽ những đau đớn, khổ cực của vợ, tôi làm việc không kể ngày đêm, một, hai giờ khuya là chuyện thường, mong sao có tiền bồi dưỡng cho mẹ, mua sữa cho con. Khi đứa con gái 11 tháng tuổi, niềm vui chưa được bao ngày, vợ tôi đòi đoạn bỏ nhà, bỏ con ra đi khi con tôi rất cần sữa mẹ, cần đôi tay ôm ấp , còn để lại nợ nần vay mượn. Chạy gạo, chạy sữa lúc đó thật gian nan. Cũng may xóm giềng bà con đầy lòng ưu ái, động viên. Ai cũng bảo con tôi ngộ nghĩnh, dễ thương.

Trách nhiệm người cha không cho phép tôi ngã gục. Có những đêm dài nghe con lăn lộn, vật vã trong cơn bệnh, là đàn ông thì phải cứng rắn, nhưng tôi không thể không khóc được, tôi cố gắng làm xuyên suốt, lấy công việc để xoá tan đớn đau, phiền muộn. Trong 6 tháng tôi vót được 8000 cần câu cắm và đan 100 cái lờ bán được 5 triệu đủ cơm rau cho cha con và trả nợ cho vợ tôi. Ba năm sau vợ tôi lại trở về, con tôi có được niềm vui bên mẹ, căn nhà cũng vơi đi phần quạnh quẽ.

Tôi quên hết mọi lỗi lầm cùng nhau chung sức nuôi con. Tôi quần quật làm, vợ tôi quần quật xài đồng tiền cực khổ của tôi, khi sinh được đứa con trai còn đỏ hỏn thì vợ tôi lại bỏ ra đi. Lần ra đi này tôi quá hụt hẫng, tinh thần hoảng loạn tột cùng. Ngỡ như ngã quỵ trước nghiệt ngã đớn đau mà không vực dậy nổi. Là đàn ông mà bảo có thể chết đi được chẳng ai tin nhưng sự thật là thế. Vùng quê sâu nghèo khó như ở đây ! Một người mù ôm hai con thơ như tôi, phải tìm đường đi nào nuôi hai con đến đích, nên người. Những chiếc nan lờ, cần câu tôi vót đều thấm vị mặn. Những con kinh, con rạch nơi tôi mò cá có nước mắt chan hoà. Có phải vì thâm tình trĩu nặng mà những chiếc hom lờ, cần câu tôi làm bán ra đặt cá rất chạy, ai cũng đặt làm. Lòng tôi tự dặn lòng, dẫu là gian khó, đau thương vẫn tâm nguyện nuôi con thành người .

Tôi vẫn sống trong tình trạng vợ bỏ nhà đi mãi, cố gắng làm có tiền chút đỉnh để dành phòng khi con đau ốm. Bà ấy xuất hiện, vì con tôi lại uỷ mị, khoan dung và bà ta lại tiêu xài, có khi lấy tiền rồi lại bỏ đi. Tôi vật vả như con thuyền giữa biển, hứng chịu từ đợt sóng này đến đợt khác.

Nói ra các anh đừng cười, đứa con gái lớn năm nay 19 tuổi đứa con trai 15 tuổi nhưng bà sống với cha con tôi chưa đầy ba năm. Chỉ một lần bà ra đi một tháng mười lăm ngày rồi trở về, còn những lần khác từ một năm đến bốn năm.

Anh Phạm Văn Sơn Chi hội phó Hội Người Mù Long Mỹ nhận xét : “Anh Hiền là người đàn ông chí thú làm ăn, mặc dù vợ bỏ cha con anh đi hoài, anh vẫn vươn lên trước những khó khăn nghiệt ngã để nuôi hai cháu khôn lớn”. Cháu Nguyễn Thị Nhi học hết lớp 8 thì ở nhà mấy năm nay để lo gia đình, cháu Nguyễn Văn Thương học lớp 8. Ở vùng quê nghèo làm ra tiền không phải dễ, người sáng mắt còn khổ huống chi là người mù”.

Thỉnh thoảng anh lại thở dài, thấy vậy chúng tôi hỏi : “ Anh lo cho hai cháu đầy đủ, còn riêng anh”
- Nhiều lúc thấy gia đình cô đơn, lạnh lẽo, tôi buồn lắm nhưng không dám nghĩ gì. Vả lại mười mấy năm trôi qua, mọi chuyện cũng nguôi ngoai dần, bây giờ con tôi đã lớn. Con gái lo việc gia đình, con trai đi học về cùng tôi mò cá, vót câu. Nhờ trời, chúng nó ngoan hiền, không như mẹ nó, chúng thương lo cho tôi, vậy cũng đã hạnh phúc lắm rồi. Bây giờ chúng nó hiểu được những khó khăn và sự hy sinh của tôi đối với chúng.

Nói đến đây, anh Hiền ngồi lặng yên, trong đôi mắt thẳm sâu tăm tối, đã chứa đựng một ý chí mạnh mẽ, vươn lên vượt qua bao nghiệt ngã. Bây giờ anh sống thanh thản cùng hai con hiếu thảo, chúng luôn săn sóc, lo lắng cho anh, cho người cha đáng kính, hy sinh cả cuộc đời để tạo chúng nên người. Thật đáng trân trọng.

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2007

Cổ tích đời khuyết tật

Chu Thị Hương nằm đó đã 33 năm sau một cơn sốt bị liệt tay chân, mông trái cũng
lép hẳn lúc mới 7 tuổi đương học lớp 2 ở ấp Nam Hải, xã Đại Hải (Kế Sách, Sóc
Trăng). Cơ thể Hương như còn bé, khuôn mặt khả ái hiện lên nét đẹp dịu dàng
thông minh. 33 năm, mọi sinh hoạt cá nhân hằng ngày nhờ cậy người chị ruột Chu
Thị Hường 44 tuổi và câu chuyện của chúng tôi cũng bắt đầu bên giường bệnh




Giọng nói đặc biệt dịu dàng, Hương tâm sự: “Chị Hường là người mẹ và cũng là người bạn thân thiết nhất đời em. Chị dạy em quên đi cảnh đời đau buồn câm lặng, dạy em kiên nhẫn đừng để đau đớn, khó khăn đánh gục mình, tạo cho em hy vọng để sống. Chị Hường là điểm tựa cho em níu kéo trong số phận nghiệt ngã”.
Dòng nước mắt nóng hổi tuôn dài trên má. Lúc sau, giọng Hương chậm và buồn: “Thương lo cho em mà chị chẳng chịu lấy chồng. Hồi đó em hay khóc lắm, một chút đau đớn, lo sợ là em đã tựa đầu vào bắp vế chị mà khóc và chị cũng cúi xuống khóc cùng em. Từ đó chị sống như chiếc bóng, quên đi đời thanh xuân tươi đẹp, mặc dù chị rất yêu anh ấy. Để em đọc mấy câu thơ người ta tặng cho em:

Nửa đời qua như em là hư ảo
Nước mắt khô - Thương chị đã lỡ làng
Nhớ chị - đôi lúc anh thường qua ngõ.
Thương thân em - Rượu đổ chẳng lấy chồng.

Tôi nhìn quanh căn phòng chật hẹp chỉ đủ kê chiếcgiường và đặt chiếc quạt đứng. Cô Hường ngồi chằm nón ở bên ngoài. Chu Thị Hường năm nay đã 44 tuổi nhưng đôi mắt, nụ cười còn ánh nét đẹp một thời và vẫn dịu dàng e ấp. Khi em bại liệt, Hường bỏ dở lớp 11 (1976) để ở nhà săn sóc, chạy chữa bệnh cho em. Hường kể:

- Em Hương bị bệnh, ai bảo ở đâu có thầy giỏi là cha tôi cùng tôi lại đưa Hương đến. Nằm ở bệnh viện Nhi đồng 2 hơn nửa tháng thì bác sĩ cho xuất viện vì không hy vọng bình phục. Tôi lại ẵm em tôi lên đại chủng viện Long Xuyên nhờ các cha trong họ đạo châm cứu. Nhớ lại thời bao cấp, hai chị em nằm ở bến xe hai ngày mới mua được vé xe đi Long Xuyên, xe chạy chưa đến bến đã đổ khách, mọi người đều vội đi, hai chị em bơ vơ, ngồi ôm nhau mà khóc. Đến nơi, được cha trong đại chủng viện châm cứu là mừng lắm rồi, mỗi tối cha dạy phải ẵm em đi dạo cho em thư giãn hơn nửa tiếng đồng hồ. Thế nhưng bệnh vẫn không lành.

Tôi nhìn chiếc nón chằm dở trên tay Hường, cô hiểu ý liền nói:

- Nhờ nghề chằm nón mà 25 năm qua, tôi không phải đi xa, vừa làm vừa săn sóc được cho em, ngày chằm được 1 cái bán 10.000 đồng, chị em chắt chiu dưa muối sống qua ngày.

Ông Chu Xuân Châm, 69 tuổi, nhìn hai cô con gái rồi nói:

- Cháu Hường thì cần mẫn, chịu khó suốt ngày ngồi chằm nón trông em, còn cháu Hương tật nguyền nhưng lại thông minh, sáng dạ, mọi công việc nhà cháu Hương nằm tính toán, sắp xếp công chuyện đâu vào đó. Hai chị em nó không rời nhau nửa bước, con chị hy sinh cho em, thỉnh thoảng người quen cũ lại thăm, tôi cũng đau lòng.

Ông Chậm nhắc đến chuyện tình của cô Hường khiến cô đỏ mặt lên vì e thẹn. Tôi gợi chuyện một lúc lâu, cô mới chậm rãi cho biết:

- Một ngày đầu đông cách đây 15 năm, tôi là đoàn viên đi làm công tác xã hội tại nhà thờ Trà Canh (Sóc Trăng). Lúc làm cỏ và dọn trong khuôn viên nhà thờ, chẳng may viên đá rớt đè chân tôi làm chảy máu, một thanh niên ở nhà kế bên chạy sang giúp đỡ rửa vết thương rồi băng bó cho tôi. Chúng tôi quen nhau từ đó. Anh ta là Đặng Quốc Tuấn, họa sĩ vẽ chân dung, quảng cáo, nhỏ hơn tôi 2 tuổi. Sau đó, anh thường lui tới thăm viếng gia đình và an ủi đứa em gái tật nguyền của tôi. Anh Tuấn dáng vẻ phong trần, quê ở Huế nhưng theo mẹ cùng hai em vào đây sinh sống. Cuộc sống gia đình trông cậy vào bàn tay tài hoa của anh, cũng nhờ anh vui vẻ nên có hàng vẽ hoài, mặc dù Trà Canh là nơi ít dân, đời sống người dân còn thấp. Tôi và anh đều nặng gánh bổn phận và vì lẽ đó mà tình yêu đến với chúng tôi thật sâu nặng mà cũng thật buồn. Anh thường đến nhà thăm chị em tôi vào buổi tối, lúc thì đem sách hoặc báo Tiền Phong, Công An cho chị em tôi đọc, có lúc anh tặng cho chị em tôi những bức tranh anh vẽ. Anh tặng cho tôi bức tranh có tựa đề “Nở muộn”, vẽ người con gái một tay đẩy xe lăn có người ngồi trên xe, tay kia cầm nụ hoa hồng chưa nở.

Mỗi bận Tuấn đến thăm chuyện trò chốc lát vì cửa nhà chật chội, nhưng ánh mắt họ đã nói hộ bao điều muốn nói. Cũng một đôi lần họ đưa nhau đi quán giải khát trong xóm ngồi tâm sự. Tình yêu của họ rất chân thành nhưng khó khăn trước mắt họ lại quá lớn, đó là bệnh tật của Hương và mẹ già cũng đau yếu quanh năm rất cần bàn tay chăm sóc giúp đỡ của cô. Lễ giáng sinh năm 1997, tại nhà thờ Đại Ngãi, hai người được phân công làm chung máng cỏ và hang đá. Dịp đó, Hường đã hứa với anh: “Bệnh của Hương nếu đỡ thì em sẽ về với anh”.

Nhưng bệnh của Hương lại ngày một có chiều hướng xấu hơn, những cơn mệt và khó thở ngày càng nhiều. Mười năm trôi qua, biết bao nhiêu đổi thay mưa nắng. Hôm nay, Hường vẫn không giấu được nỗi lo lắng:

- Hai năm nay em tôi thường nhức đầu và không ngủ được, nhìn hai mắt em thâm quầng thật đau lòng. Thấy em như vậy tôi lo sợ ngày nào đó Hương ra đi, tôi thật không đành lòng rời xa em.

Cô Hương đang nằm, ngẩng đầu lên nói:

- Mỗi mùa giáng sinh anh Tuấn đều lại thăm, nhưng năm nay anh không ghé nữa. Tính anh Tuấn cũng hay so sánh, trước đây tụi em ở nhà lá ngoài đường lộ thì anh lên thăm hoài, từ hôm anh Hai của em mượn căn nhà lá để bán vật liệu xây dựng, giao nhà của anh Hai cho tụi em ở, anh Tuấn lên thăm, thấy nhà cao cửa rộng, hình như anh ngại, thi thoảng anh mới ghé.

Cô Hường cúi xuống nói nhỏ: “Anh vẫn chưa chịu lấy vợ”.

Hương nói tiếp với tôi:

- Gần hết đời con gái chị lo cho em rồi, việc chị không lập gia đình, đối với em là nỗi day dứt không nguôi được. Anh biết không, trong các bài hát em thích và thương bài “Chị tôi” của chú Trần Tiến. Mỗi lần nghe hát đến đoạn… chị tôi chưa lấy chồng… là em lại khóc. Nhưng giục chị thì chị không chịu, em không còn biết làm thế nào.

Tôi ngước nhìn Hường, nụ cười buồn điểm dấu chân chim trên khóe mắt, tóc cô đã ánh vài sợi bạc.

Tôi nhìn ra mảnh sân trước nhà. Cây mai ở góc sân đã hé nụ. Nắng Xuân ấm đang về. Xuân về nơi đây không lỗi hẹn và tôi thầm ước Xuân sẽ còn kéo dài.

Người đàn bà cụt tay gặt lúa mướn

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, làm thuê, gặt mướn lúc lên mười, chị đã mất
đi nửa cánh tay vì cơm áo. Với nửa cánh tay còn lại, người đàn bà ấy vẫn kiên
trì vung lưỡi hái trên những cánh đồng.



Mùa lúa chín, chúng tôi bao ghe từ Long Thạnh đến ấp Đông Phú (Đông Phước, Châu Thành A, Cần Thơ) để tìm gặp người thợ gặt lúa bằng cùi chỏ. Với nụ cười hiền lành trên khuôn mặt đen nhẻm vì nắng gió, chị Nguyễn Thị Bảy Nhỏ đứng giữa ruộng đang gặt dở kể:

- Năm nay tôi 31 tuổi, nhà nghèo không đất sản xuất nên phải làm thuê, gặt mướn đã 22 năm nay. Dù rất cực nhọc, nhưng tôi vẫn cam chịu để kiếm cơm sống qua ngày.

- Chị gặt một tay như thế đạt được năng suất bao nhiêu?

- Lúc mới tập thì thua xa những người lành lặn nhưng bây giờ tôi làm bằng đến hơn họ. Mỗi ngày tôi gặt và vác được 1 công, tiền 30.000 đồng.

Chị kể về cuộc đời mình:

- Năm 17 tuổi, tôi đi làm thuê cho lò đường ở Kinh Cùng (Cần Thơ) mặc áo tay dài, vô ý đút mía vào ép, áo bị máy cuốn vào nghiến đứt cánh tay, nằm nhà thương điều trị 3 tháng. Suốt mấy năm sau đó, nhìn anh chị em gặt lúa mướn, tôi nghĩ phận mình mà chảy nước mắt. Đứa cháu Bích Tuyền 12 tuổi bảo tôi: “Bảy ơi! Bảy lấy bao tay buộc rồi cột lưỡi hái, ra ruộng gặt thử được hôn?”.

Từ đó tôi tập gặt lúa.

Chị vén áo lên, thật bàng hoàng xúc động khi nhìn thấy dấu vết trầy trụa, lở lói do xiết cột lưỡi hái đã chai lì trên cánh tay cụt của chị.

Cuộc đời gặt mướn như con vịt nuôi chạy đồng, nơi nào lúa chín thì tìm đến. Tháng 2 tháng 3 chị ở Châu Đốc, Ô Môn, tháng 7 tháng 8 chị ở Bạc Liêu, Sóc Trăng… Giọng buồn buồn, chị nói: “Nghề này với phụ nữ rất khổ, mùa lũ ngâm mình trong nước bùn, ruộng lúa khép kín trong đê bao còn giữ thuốc trừ sâu, phân bón, hóa chất, tụi tui là những người hứng chịu. Nhiều chị sau vài ngày gặt lúa phải tìm đến bác sĩ phụ khoa, tay chân lở lói là chuyện thường”.

Chị Bảy Nhỏ có chồng và một con. Chồng chị không được khôn ngoan, suốt năm đi ở mướn cho người ta, mỗi năm anh được trả công 1,4 triệu đồng lấy tiền trước. Gia đình khó khăn, chị quanh năm đi gặt hết đồng này đến đồng khác, đứa con gái 8 tuổi chị gửi cho bà nội.

Chị gượng vui nói với chúng tôi: “Cực khổ, vất vả quen rồi, vắng một vài ngày không làm thấy bứt rứt, khó chịu”.

Nhọc nhằn, gian khó trăm bề, người phụ nữ gặt thuê một tay vẫn cần mẫn, miệt mài lao động. Cuộc sống dù thiếu hụt mọi điều, chị Bảy Nhỏ vẫn lạc quan, vượt lên mọi nghiệt ngã tật nguyền, tự tìm niềm vui trong cuộc sống.