Thứ Năm, 18 tháng 10, 2007

"Lò vẽ" tại gia

Cơ sở vẽ tranh trên áo, trên lụa ở địa chỉ số 72/14A Đề Thám ( Ninh Kiều, Cần Thơ), là địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng trong và ngoài nước thường đến đặt hàng vẽ tranh trên áo, trên lụa… Đồng thời nơi đây cũng là lò vẽ tại gia mà 15 năm qua đã đào tạo hơn 50 học viên tốt nghiệp trong nghề vẽ tranh trên áo.Lò vẽ ở đây rất đặc biệt: Người thầy dạy vẽ này là người khuyết tật, mất cả hai cánh tay và chân phải bị cụt lên đến gối.


Anh là Trần Hùng Bảo, chủ nhân lò vẽ. Nói là lò vẽ chứ thật ra mỗi khoá anh Bảo chỉ đào tạo 2 hoặc 3 học trò. Đây là lò vẽ đặc biệt tại Cần Thơ, xuất hiện khá sớm (1992) và duy trì đến hôm nay. Khi hỏi về nguyên do lò vẽ ra đời anh Bảo vui vẻ : Có nhiều khách hàng đến vẽ áo, cảm nhận nét vẽ trên áo vừa đẹp, màu sắc phù hợp từng loại vải, màu vải, đường nét mềm mại, uyển chuyễn, thẩm mỹ, mang tính nghệ thuật nên họ đam mê xin theo học, có người giới thiệu bà con đến học.

Lớp học vẽ tranh trên áo của Hùng Bảo phần đông là chị em phụ nữ và một số ít nam giới. Thường một khoá học của anh người nhanh nhất là 4 tháng người chậm có khi 1 năm. Qua 15 năm đào tạo, học trò anh có người mở tiệm, có người về quê làm và nối nghiệp dạy vẽ tranh trên áo như anh. Để có thành công nhất định trong ngày hôm nay, đôi mắt Hùng Bảo nhìn về phía xa bồi hồi kể lại:
Cách đây 35 năm (1971) trong lúc đứng chơi gần cột điện, dòng điện cao thế giật và hủy hoại thân thể của tôi. Tại nạn hiểm nghèo đã làm mất 2 cánh tay và một chân.

Từ đó tôi trở thành đứa trẻ tật nguyền, ngày ngày đôi mắt khao khát nhìn những bạn bè trang lứa đi học. Cơ may trong đời đến với tôi, một bác sĩ chuyên khoa tận tình giúp đỡ, thiết kế chiếc chân giả để tôi tiện bề đi lại một mình, đồng thời nghiên cứu thiết kế một tay giả bằng kim loại tự sử dụng và hoạt động như các ngón tay bình thường, từ đó tôi làm được nhiều việc thông dụng.

Năm 1976, đời học sinh trở lại với anh, anh luôn cố gắng vươn lên trước hoàn cảnh khó khăn nghiệt ngã, anh miêt mài rèn luyện mọi công việc bằng cánh tay giả. Trời không phụ kẻ có chí, sự kiên trì, cần mẫn của anh được đáp đền. Năm 1983, anh đã tốt nghiệp phổ thông trung học. Con đường đi vào đại học quá xa với đối với người khuyết tật như anh. Sau nhiều lần suy nghĩ, anh tìm cho mình một tương lai là đi học “vẽ chân dung” để có một nghề nuôi lấy bản thân. Với lòng đam mê, ý chí quyết tâm và sự tận tâm của các thầy nên không bao lâu anh đã họa được nhiều bức chân dung trước sự trầm trồ của bạn bè. Từ đó, Hùng Bảo nắm vững các nguyên tắc về vẽ chân dung, về kỹ thuật pha màu. Anh đã mạnh dạn mở cơ sở vẽ chân dung. Qua 7 năm hành nghề vẽ anh nhận xét: Nghề vẽ chân dung vất vả, thu nhập không bao nhiêu, hướng đi của nghề không phát triển.

Thế là không ngại gian khó để tìm hướng đi mới cho mình. Năm 1990, anh đi học vẽ áo dài, một loại hình nghệ thuật mang tính sáng tạo và thời trang. Thời gian đi học đối với anh rất trở ngại và khó khăn. Quá trình học chỉ biết nghe và nhìn, về nhà mới mày mò vẽ thực hành, ngày mai đem lại thầy sửa, những mẫu vẽ nhiều lần thất bại, phải vẽ đi vẽ lại. Nhờ lòng kiên trì, ý chí quyết tâm, cuối cùng anh cũng đạt theo ý muốn của mình.


Là một người chịu khó học hỏi, anh đã thể hiện những tranh vẽ trên áo, trên lụa có hồn riêng, thể hiện tài hoa của người vẽ. Và kết quả Hùng Bảo đã dùng cây cọ qua bàn tay giả làm cầu nối với khách hàng trong cũng như ngoài nước.

Đa số hàng vẽ của Hùng Bảo thường là khách hàng đến đặt, thợ may đem lại, Việt Kiều…
Trong những năm tháng dạy vẽ cho học trò của mình, Hùng Bảo luôn tận tâm chỉ dạy vì anh anh luôn nghĩ học trò của mình là đứa con tinh thần. Ngoài ra với lòng nhân ái, Hùng Bảo thường giúp đỡ, dạy cho các em có hoàn cảnh nghiệt ngã có được tay nghề và còn tìm công ăn việc làm cho các em.

Huỳnh Thị Tố Quyên 19 tuổi ở Châu Đốc đến học nghề 1 năm thố lộ: Ba em mất lúc em còn nhỏ, mẹ đi làm xa, ở với cô nghèo khó. Thầy Bảo dạy giúp trong hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, thầy còn nhận em làm việc để có công ăn việc làm nuôi thân.

Để phát triển nghề nghiệp, Hùng Bảo luôn trau dồi nghề nghiệp, nghiên cứu, sưu tầm báo ảnh, tìm những mẫu vẽ trên cataloque mà người mẫu thời trang thường sử dụng vì nghề vẽ là một thế giới nghệ thuật.

Trên căn nhà bình dị ở đường Đề Thám ( Ninh Kiều, Cần Thơ) Trần Hùng Bảo với đôi tay, một chân không còn nguyên vẹn, vươn lên những nghiệt ngã đói nghèo chung sống hạnh phúc bên người vợ và 2 con thân yêu, Hùng Bảo còn truyền nghề góp phần ươm mầm nghệ thuật cho đàn em thân yêu .

Không có nhận xét nào: