Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2007

Nguyễn Văn Tài - Kiện tướng cầu lông người khuyết tật Vĩnh Long


Tháng 10-2002 vừa qua, tại nhà thi đấu Busan (Hàn Quốc), vận động viên khuyết tật Nguyễn Văn Tài đoạt HCĐ đơn nam. Đây là lần thứ ba Nguyễn Văn Tài bước lên bục vinh quang nhận huy chương giải cầu lông người khuyết tật Đông Nam Á. Tháng 1-1999, giải Cầu lông Châu Á tổ chức tại Thái Lan, anh đoạt HCĐ đơn nam. Riêng tháng 5-2000, anh đoạt 3 huy chương: HCV đồng đội, HCB đơn nam, HCB đôi nam.


Năm 2002 cũng là năm thành công của anh trên đường sự nghiệp thể thao người khuyết tật: Nguyễn Văn Tài là một trong năm VĐV khuyết tật xuất sắc được bầu chọn là VĐV tiêu biểu năm 2002.

Những thành tích trên nằm trong chuỗi thành tích 7 năm liền của Nguyễn Văn Tài, mà trước đó anh đã đoạt: Tháng 11-1996, HCB đơn nam + HCB đôi nam TDTT Người khuyết tật toàn quốc tại Hà Nội. Tháng 7-1997, HCB đôi nam Đại hội TDTT Người khuyết tật tại Quảng Trị lần thứ nhất.

Tháng 4-1998, HCV đôi nam tại Hiệp hội TDTT Người khuyết tật Việt Nam tổ chức tại TP HCM.

Tháng 7-1999, HCV đơn nam + HCĐ đôi nam Đại hội TDTT Người khuyết tật toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng. Tháng 8-2001, HCV đơn nam + HCV đôi nam Đại hội TDTT Người khuyết tật toàn quốc tổ chức tại TP HCM. Tháng 12-2001, HCV đơn nam + HCV đôi nam Đại hội Campaign Người khuyết tật tổ chức tại Hà Nội.

Ngoài ra, Nguyễn Văn Tài còn được Quỹ Hỗ trợ tài năng và Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng bằng khen là VĐV tiêu biểu năm 2002.

Nhìn vào cánh tay trái không nguyên vẹn, anh tâm sự: Tháng 11 năm 1984, tôi đã gặp tai nạn lao động. Khi nhập viện, các bác sĩ tháo khớp tay trái lên tận vai. Trước đây tôi tham gia môn bóng đá, từ khi bị tai nạn lao động, đời cầu thủ của tôi đã kết thúc. Từ khi phong trào cầu lông huyện Vũng Liêm hình thành, tôi rẽ sang nghiệp này.

Ông Ba Vui, Giám đốc THVH huyện Vũng Liêm cho biết: “Nguyễn Văn Tài, VĐVkhuyết tật môn cầu lông có những nét chơi rất riêng, thể hiện tinh thần thi đấu cao, ấn tượng, khá ổn định. Anh là người đến với câu lạc bộ cầu lông của huyện nhà đầu tiên, là VĐV nòng cốt và cũng là mũi nhọn của tỉnh. Trong những lần thi đấu, anh đều đạt thành tích cao, đem vinh dự về cho tỉnh nhà”.

Nguyễn Văn Tài sinh năm 1966 ở tại khóm 1, thị trấn Vũng Liêm (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long).

Anh là thợ may mui, nệm, yên xe. Anh sống cùng vợ và hai con, cuộc sống của anh rất hạnh phúc, vợ con anh luôn tạo mọi điều kiện trong tập luyện cũng như những lần tham gia thi đấu.

Lòng đam mê môn cầu lông khiến anh luôn luyện tập, học hỏi kỹ thuật để nâng cao trình độ. Anh Nguyễn Văn Tài tâm sự: “Mỗi lần tham dự các giải đấu thế giới, được va chạm những VĐV có các lối đánh mới mẻ, hiệu quả chính xác cao, là cơ hội cho mình học hỏi rút kinh nghiệm”. Hiện nay, anh đang hăng say luyện tập để chuẩn bị đi dự giải ở Hà Nội. Đây là cuộc thi đấu quan trọng vì lúc tuyển chọn VĐV Việt Nam tham dự PARA SEA Games do nước ta tổ chức.

Cô gái có đôi tay vàng

Đôi bàn tay thoăn thoát từng đường kim mũi chỉ trên lá, để hoàn thiện chiếc
nón nằm gọn trên bộ khung, thỉnh thoảng môi nở nụ cười khi trả lời câu hỏi gì,
đã đem lại cho cơ sở Nhịp cầu bầu không khí ấm cúng và bạn bè đồng cảnh ngộ xích
lại gần nhau hơn, kể từ khi chị đến dạy nghề chằm nón …





Chị là Đỗ Thị Ngọc sinh năm 1972 quê ở ấp Tân Bình, phường Trường Lạc ( Ô Môn, Cần Thơ). Với tấm lòng thương người cùng cảnh ngộ, Ngọc từ giã làng quê êm đềm lên ở tại cơ sở nhịp cầu, ngày ngày dạy cho bạn bè học nghề chằm nón để sinh sống và hội nhập cộng đồng.

Ngọc là người rất khéo tay, ngoài chằm những chiếc nón lá bóng bẩy, xinh xắn tạo nên nét duyên ngầm của thiếu nữ, đôi bàn tay tài hoa Ngọc còn chế ra nhiều kiểu nón lá khác như: Bộ nón cối kiểu Trung Quốc gồm 6 chiếc xinh xắn từ lớn đến nhỏ bằng bàn tay, được treo lủng lẳng chào hàng trông thật xinh xắn bên cạnh những chiếc nón kết bóng láng.

Với nụ cười thật hiền trên khuôn mặt bầu bĩnh, với giọng trầm trầm Ngọc đã thố lộ cuộc đời của mình:

- Hai chân em bại liệt do di chứng cơn sốt lúc còn 3 tuổi, cha mẹ hết lòng chạy chữa nhưng đôi chân ngày càng teo nhỏ. Mọi sinh hoạt bình thường, em thường dùng đôi tay để di chuyển đi lại. Tuổi thơ, Ngọc không đến trường học vì quê nhà thuộc vùng sông nước, đò giang cách trở, Ngọc biết đọc, biết viết nhờ anh chị chỉ dạy. Gia đình đông anh em, cuộc sống khó khăn vì không đất đai, năm lên 10 tuổi Ngọc theo mẹ xuôi ngược đi bán hàng bông trên chiếc ghe nhỏ khắp vùng quê sông nước. Công việc của Ngọc là chèo trước mũi ghe, phụ mẹ bán hàng, tính tiền, nấu cơm.

Mấy năm dài lênh đênh ngược xuôi sông nước, mẹ con hôm sớm bên nhau. Cứ nửa tháng, hai mươi ngày hai mẹ con lại ghé thăm nhà. Rồi đến một ngày, cuộc đời thương hồ vất vả mà cũng chẳng khá hơn ai, thế rồi hai mẹ con từ giã chiếc dằm, con đò trở lên bờ làm ruộng. Từ đó, Ngọc ở nhà thui thủi một mình giúp gia đình nấu những bữa ăn…

Cuộc sống lặng lẽ, âm thầm trôi đều cho đến một ngày năm Ngọc 15 tuổi, chị Thảo chị của Ngọc trọ học ở huyện, ở gần nhà làm nghề chằm nón, Thảo học lóm về hướng dẫn phương pháp sơ qua cho Ngọc làm. Đôi bàn tay run run tháo bung chiếc nón để nghiên cứu tìm tòi, ba của Ngọc tìm mua được bộ khung và lá đem về cho con mày mò tập làm, với đức tính chịu thương chịu khó cộng với sự thông minh, đôi bàn tay khéo léo những chiếc nón ra đời, lúc đầu hơi thô, đường kim mũi chỉ chưa đều, nhưng khuyến khích tay nghề, những chiếc nón Ngọc làm ra được bà con ủng hộ mua giúp. Dần dần nghề dạy nghề, những chiếc nón làm ra bóng bẩy, xinh xắn và các chiếc nón của Ngọc thường có mặt ở các sạp hàng bán ở chợ. Từ đó, Ngọc rất vui vì có đã có tay nghề, làm ra của cải nuôi sống bản thân mình. Tiếng lành đồn xa, nghề chằm nón càng ngày càng xinh xắn, tiêu thụ nhanh được nhiều người biết đến. Chị em trong xã đến nhờ Ngọc dạy nghề, Ngọc vui vẻ chỉ bày tận tình, tính đến nay cũng hơn mười chị em người bình thường đã làm ra những chiếc nón xinh xắn. Điều vui đến với Ngọc là nơi ở của Ngọc đã trở thành nghiệp đoàn chằm nón lá xóm Trường Lạc với hơn ba mươi người.

Năm 2002, quận Ô Môn tổ chức hội thi làng nghề truyền thống Ngọc đoạt giải 3. Qua năm 2003, Ngọc dự thi đã vượt qua 30 người của 15 nghiệp đoàn chằm nón trong vùng, Ngọc được vinh dự đoạt giải nhất trong khi Ngọc là NKT.

Qua bao năm tháng trong nghề chằm nón: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh Ngọc trở thành cột trụ vững chắc cho gia đình, mua được tivi, sắm dàn Karaoke để Ngọc và bạn bè trong xóm giải trí.
Hiện nay, Ngọc không ngại khó khăn, tận tình chỉ bày cho chị em đồng cảnh ngộ học nghề chằm nón tại cơ sở mỹ nghệ Nhịp Cầu.

Vừa qua, hội nghị NKT tại Hà Nội, Ngọc là nhân vật điển hình NKT lao động sản xuất giỏi.
Mặc dù cơ thể Ngọc mang khiếm khuýêt, Ngọc vẫn dùng bàn tay, khối óc để tạo cho mình có cuộc sống ý nghĩa hơn, sản phẩm làm ra làm đẹp cho đời, hoà nhập cộng đồng. Tôi thật khâm phục ý chí và nghị lực một người tự vươn lên như Ngọc.
NGUYỄN VĂN TÀI -