Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2007

Cô gái viết bằng chân



Ở ấp 7 xã Xà Phiên (Long Mỹ – Cần Thơ) có một cô gái mang nỗi bất hạnh từ lúc mới chào đời. Cả hai tay, hai chân đều bị dị tật, chỉ có mấy ngón chân là còn cử động được. Vin vào những ngón chân nhỏ bé và yếu ớt đó, cô tập viết, tập bơi xuồng để tự mình đến trường, tự tìm cho mình một tương lai bằng con đường học vấn. Trong căn nhà tranh thấp lè tè nằm trên khoảnh đất bao bọc xung quanh là một biển nước. Cô bé khuyết tật đi bằng đầu gối ra đón chúng tôi…

Nhìn vào cơ thể thấp bé của Sậm, không ai có thể nghĩ rằng cô đã 25 tuổi. Huỳnh Thị Sậm sinh năm 1977, là con thứ tư trong một gia đình có sáu chị em gái. Sậm mang dị tật từ lúc mở mắt chào đời, hai chân bị liệt, co quắp, chỉ cử động được mấy ngón, còn hai tay thì hầu như không làm được gì. Sậm di chuyển bằng một đầu gối chung với bàn chân. Ba em mất năm em 14 tuổi sau nhiều ngày chữa trị bệnh lớn tim, để lại gánh nặng cho người mẹ yếu đuối, tần tảo nuôi 6 chị em. Năm 15 tuổi Sậm mới bắt đầu đi học. Sậm bộc bạch: “Em đi học chỉ mong biết chữ để đọc. Cơ thể tật nguyền mọi công việc đều nhờ vào thầy, cô, bạn bè. Khi em biết đọc thì tình cảm thầy cô, bạn bè ăn sâu vào tâm khảm, cuộc sống em như gắn liền với thầy, bạn”.



Muốn tiếp tục đi học Sậm phải luyện tập ý chí của mình, thầm lặng nhưng gay go và quyết liệt. Sậm kiên trì, miệt mài tập viết bằng nhiều cách, các ngón chân trái kẹp cây viết cùng với các ngón chân phải đè trên quyển tập, Sậm tập viết riết cũng thành công. Viết được, em mừng lắm nhưng gia đình quá nghèo, mẹ và chị không có thời gian cõng em đi học. Một lần nữa Sậm lại khắc phục bản thân, tập bơi xuồng bằng chân. Sậm để cây dầm lên đầu gối làm điểm tựa, từ từ em bơi được, nhưng không nhanh.

Trước mắt chúng tôi là một con người cơ thể yếu đuối nhưng nghị lực vô cùng mạnh mẽ. Suốt bốn năm học cấp II Trường phổ thông cơ sở Xà Phiên, mỗi ngày đi học, Sậm phải bơi xuồng bằng chân đi, về 8 km. Ra đi trời chưa sáng, về nhà khi mặt trời đã tắt. Ba năm liền lớp 6, 7, 8 Sậm đều là học sinh tiên tiến. Ông Phan Thanh Liêm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân số – Kế hoạch hóa gia đình huyện Long Mỹ nhận xét: “Sậm sinh ra trong một gia đình nghèo (mẹ góa con côi) có hoàn cảnh nghiệt ngã đáng thương. Một cô gái vươn lên tìm cho mình cuộc sống, thật đáng trân trọng. Trước đây UBND Huyện Long Mỹ có tặng một chiếc xuồng để em làm phương tiện tự đi học. Thú thật với các anh, lúc đầu giao xuồng cho Sậm, tụi tui cũng lo lắm, lỡ em té thì nguy hiểm tính mạng, nhưng không sao. Đến nay thì em bơi đã khá rành rẽ rồi. Vừa qua, UBND Huyện Long Mỹ chỉ đạo cho sửa lại căn nhà của Sậm vì quá ẩm thấp và hư hỏng”.

Những năm học cấp 3 Sậm khăn gói xa nhà đi ở nội trú và học Trường PTTH Long Mỹ. Nơi đây, ăn uống, vệ sinh cá nhân em tự giải quyết. Gia đình nghèo, đành tự túc nấu ăn bằng đôi chân không lành lặn của mình và món ăn độc nhất của em trong suốt ba năm trời vẫn là món cá khô. Những năm này em nhờ bạn Thạch Đa học cùng lớp đẩy xe cho em vào lớp. Sậm cho biết, suốt mấy năm học, các thầy, cô đã tạo điều kiện giúp đỡ em học tốt như thầy Cường hiệu trưởng, cô Thu Ba dạy môn Sử…

Với giọng buồn buồn, Sậm bộc bạch: “Cơ thể em dị biệt nên trong suốt thời gian em đi học, phòng giáo dục đóng riêng cho em chiếc bàn để ngồi và em luôn ngồi xa các bạn. Trong mười năm học, những lúc thi em tự làm bài bằng sức lực của mình”.

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 sậm bị hỏng. Em khóc rất nhiều, bỏ cả ăn uống. Sậm nói trong nước mắt: “Chú ơi! Cháu cũng biết trí nhớ chậm phát triển nên lo học lắm chú à. Lúc thi ngồi bàn riêng, cùng một thời gian thi như nhau, cháu viết bằng mấy ngón chân nên chậm, không đủ thời gian làm bài. Bây giờ cháu làm gì đây? Cháu đuổi gà, con gà không sợ nữa huống là!”.

Nhìn đầu gối bên trái lớn và chai sần do phải cọ xát trong sinh hoạt hằng ngày, chúng tôi vô cùng xúc động và không thể tin nổi khi bà Nguyễn Thị Tám, mẹ của Sậm đem chiếc áo Sậm khâu bằng chân tặng bà cho chúng tôi xem. Bà nói trong xúc động: “Nhìn thân thể con là lòng tôi quặn đau, từ hôm nó lấy kim khâu bằng chân chiếc áo bà ba cho tôi, tôi không biết nói gì, chỉ chảy nước mắt nhìn con”.

Huỳnh Thị Sậm khắc phục bệnh tật, rèn luyện để tự tìm cho mình một tương lai. Một con người giàu nghị lực, tự vượt lên hoàn cảnh rất đáng trân trọng. Chúng tôi cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ đến Sậm đang sống trong vùng quê nghèo xa xôi lũ lụt, từng ngày tự vượt qua những thử thách cam go với khát vọng được hòa nhập vào cộng đồng.

Không có nhận xét nào: