Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2007

Trường Giang Thủy - Vững vàng trên chiếc tó


Anh Trường Giang Thủy bị liệt hai chân, nhưng say mê sáng tác văn học. Trong năm 2003, anh có 14 tác phẩm đoạt giải trong cả nước. Nếu tính cả 10 năm sáng tác, anh đoạt được 59 giải với nhiều thể loại.

Tôi gặp Trường Giang Thủy cùng Võ Thị Mai Xinh trong ngày nhận thêm một giải thưởng trong cuộc thi thơ của Hội Văn nghệ TP Cần Thơ dịp Nguyên tiêu 2004. Niềm vui và hạnh phúc biểu lộ trên gương mặt phúc hậu của anh.

Anh Trường Giang Thủy tên thật là Phạm Hồng Trừ, sinh năm 1953, ở tổ 2, ấp Hòa Long, xã Hòa An (Cao Lãnh, Đồng Tháp).

Đôi mắt hướng về xa xăm, anh kể: “Tôi là con thứ ba trong gia đình 3 chị em, chị Hai mất lúc tôi 5 tuổi nên gia đình xem tôi là con trai lớn”.

Tuổi thơ của anh thiếu sự hồn nhiên vì bệnh viêm đa khớp. Đến năm 17 tuổi, cái tuổi đẹp đẽ và tràn đầy nhựa sống, hai chân anh teo nhỏ, nên phải nghỉ học. Từ đó, anh sống câm lặng, thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần. Anh thổ lộ: “May mắn là tôi có người mẹ tuyệt vời, bà luôn cưu mang, đáp ứng những nguyện vọng mà tôi cần như sách báo, truyện, thơ, tài liệu nghiên cứu”.

Thế là anh chống tó để đi lại và cố học lấy một nghề để nuôi thân. đơn giản, anh chọn nghề “hớt tóc”.

Lành nghề, cần mẫn, vui tính nên quán hớt tóc của anh khá đông khách. Khách ngồi ghế xoay, còn anh ngồi ghế cố định để làm đẹp cho khách. Quán hớt tóc trở thành nơi thu lượm mọi tin tức, mọi chuyện buồn vui ở đời và từ đó khơi dậy sáng tác trong anh. Bài ca cổ đầu tay “Những người đi chinh chiến” của anh được ban cổ nhạc Kim Tân ca trên Đài Phát thanh Cần Thơ. Anh Giang Thủy tâm sự: “Khi tôi viết, chỉ mong giải tỏa những bức xúc, nghiệt ngã vì bệnh tật, chứ không nghĩ mình sống bằng nghề viết lách. Thế rồi khi tác phẩm được đăng, được giải thưởng, niềm hạnh phúc, đam mê trào dậy. Từ đó, chuyện viết lách ăn sâu vào máu thịt”.

Qua mười năm anh viết rất nhiều thể loại: cải lương, kịch hài, kịch nói, văn xuôi, thơ ca… Thành công nhất là khi anh viết về mẹ. Bài vọng cổ “Tình mẹ” nói lên những cảm xúc ngậm ngùi khi nhớ đến người mẹ yêu quý.

Tàu cau rơi, tàu cau rơi hồi xế / Mẹ ra ngồi gốc khế vót tàu cau / Con dao xếp bóng mồ hôi tay mẹ / Chạnh nỗi đời không đánh cũng dư đau.

Vở cải lương “Chuyện một góc phố” đoạt giải của Sở Văn hóa Thông tin thành phố Hồ Chí Minh. Vở kịch hài “Bất chấp bất trắc” đoạt giải của Hội Văn nghệ Kiên Giang. Vở kịch nói “Người xa xứ” đoạt giải của Hội Văn nghệ Cần Thơ. Lời mới cho bài ca tài tử “Đêm cuối cùng cho loài hoa sứ” đoạt giải của VTV3. “Mẹ là quê hương” đoạt giải Hội Văn nghệ Bạc Liêu…

Anh viết nhiều thể loại, nhưng tâm đắc nhất là kịch bản sân khấu. Vở “Chuyện ly hôn sau năm hai ngàn” được Đài Truyền hình Đồng Tháp dàn dựng. Vở cải lương “Cơn bão đi qua” được Đoàn cải lương Hương Tràm của Cà Mau dàn dựng.

Tuổi trẻ tật nguyền, sống nhờ nghề hớt tóc nên tình duyên của anh cũng chẳng suôn sẻ gì. Sau này anh gặp được chị Võ Thị Mai Xinh nhân hậu, xinh đẹp và nên vợ nên chồng. Chị đã động viên, chăm sóc anh trong đời thường cũng như trong sáng tác thơ văn.

Nỗi đau lớn trong đời anh là mất đứa con gái 18 tuổi vì căn bệnh trụy tim ngặt nghèo. Nét mặt buồn rầu, anh nói: “Khi con mất, tôi tưởng mình ngã quỵ, may có vợ, bạn bè động viên an ủi. Hiện nay, chúng tôi lo cho đứa con trai duy nhất Phạm Đức Võ Trọng đang học ĐH năm thứ hai, khoa Ngữ văn”. Anh Giang Thủy cho biết trong quý 1-2004 anh sẽ cho ra mắt 24 bài ca cổ chủ đề “Chuyện đời xưa, chuyện đời nay”, trong đó có tác phẩm “Chuyện ngày qua” anh viết về nghịch cảnh của vợ anh từ những ngày mới quen nhau.


Qua mười năm sáng tác, vươn lên từ nhiều khốn khó, anh Trường Giang Thủy để lại trong lòng bạn bè cũng như độc giả ĐBSCL những tình cảm thân thương quý trọng.

1 nhận xét:

sim66 nói...

Lặng lẽ gọi 1 lời... Bác Ba