Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2007

NGƯỜI ĐÀN BÀ MÙ QUẢY GÁNH



Cô bé quê nghèo lớn lên trong vùng lửa đạn, đã từng nếm mùi đói lạnh, từng chân lấm tay bùn nơi ruộng rẫy, nhưng trong lam lũ cô vẫn sống hồn nhiên, chan hoà tình thương như mạch suối ngầm trong trẻo, tinh khôi. Thế rồi, sau cơn bệnh ngặt nghèo di chứng mù loà đã đẩy cuộc đời cô bé về với bóng tối .

Khi đôi mắt không còn thu nhận được ánh sáng, bà con cô bác đều buông tiếng thở dài: “ Đáng thương cho cô bé mười ba tuổi Trương Thị Nhàn”. Không ít người định kiến cho rằng: “ Từ đây đến hết đời con Nhàn là gánh nặng cho gia đình, sẽ chẳng làm nên được cái gì”.
Nhàn buồn muốn chết đi được. Nghiệt ngã, bất hạnh trùm phủ màu đen lên tấm thân bé nhỏ. Nhưng với tính tự lập, cầu tiến, Nhàn suy nghĩ phải tìm cách làm thế nào để mình không là kẻ ăn bám, bèn tìm chị Hai thổ lộ: “Chị thử nghĩ giúp em, người mù như em làm được việc gì ?”. Chị Hai tìm lời giải thích:“ Em đừng bi quan, mặc dù đôi mắt không thấy đường, nhưng em có khối óc, đôi tay kèm với đức tính chịu thương chịu khó thì không việc gì không làm được”. Sau khi chị Hai tận tình chỉ dạy nghề làm men rượu. Nhàn kiên trì, miệt mài học hỏi và không bao lâu trở thành cô thợ làm men nổi tiếng, mem làm ra đặt luôn đặng rượu, sau khi uống cái hậu thơm ngon. Men rượu cô gái mù quê ở Ngan Dừa ( Hồng Dân, Bạc Liêu) vang tận Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ…
… Một ngày nọ, có chàng thanh niên cũng mù đôi mắt như Nhàn, sống nghề gặt thuê, đốn cây, làm cỏ, hái dừa mướn… đã nhiều năm mà chẳng “đổi đời”, nay chuyển nghề đi buôn vì cho rằng “ phi thương bất phú” bèn dong ruổi đó đây. Định mệnh đưa chàng đến gặp nàng. Em làm men rượu, anh mua men đi bán. Bốn năm gần gũi, khắng khít nẩy sinh tình cảm “men rượu làm say men tình” vậy mà chưa đủ kết nối một mối tình, mặc dù Nhàn đã quen thuộc từng bước đi, giọng nói, tiếng cười, cũng có những giây phút xao xuyến, nhớ thương. Trong lần từ chối lời tỏ tình của chàng trai mù Lưu Xì Rết, Nhàn nhỏ nhẹ : “Anh ạ! Người đàn ông mù còn kiếm được vợ sáng, người đàn bà mù thiệt thòi hơn, em đã mù lấy anh cũng mù, sinh con làm sao nuôi nó nên người, lại gieo thêm gánh nặng cho xã hội”.
Nhàn thường thức khuya dậy sớm, làm lụng cật lực nên một ngày nọ, cô bị bệnh liệt giường. Rết xuống lấy men đi bán. Được tin Nhàn bệnh anh vội vã mua quà đến thăm. Nhàn đưa tay quờ qụang tìm rờ khuôn mặt Rết, bất chợt Nhàn nhận ra hai dòng nước mắt nóng hổi từ đôi mắt thẳm sâu của Rết chảy qua bàn tay thô ráp của mình… Để rồi ...Nhàn quảy gánh… theo Rết về quê ở ấp 5, xã Xà Phiên ( Long Mỹ, Hậu Giang) xây dựng gia đình.
Từ đó Nhàn – Rết bên nhau, cùng chia sẻ gian nan trước những khó khăn về cái ăn, cái ở lại thêm một thai nhi đang tượng hình. Hai người làm đủ mọi việc trong khả năng để kiếm sống và dành dụm khi sinh nở. Ngày ngày, Rết đi mò cá bán, hết mò cá đến bẻ dừa mướn, đan lồng bẫy chim… Riêng Nhàn xay gạo làm men, đặt rượu, trồng cây trái trong vườn, nuôi con gà, con heo…
Mỗi lần thai nhi cựa quậy, Nhàn vừa mừng vừa lo cho sinh linh bé bỏng của mẹ sẽ như thế nào. Nghĩ đến một phần máu huyết của mình sắp sửa chào đời, rồi quên hết mọi gian khổ, tật nguyền lao vào công việc. Khi đứa bé gái đầu lòng ra đời đặt tên là Lưu Thị Hữu Nhân sinh năm 1991, tiếng khóc trẻ thơ làm căn nhà ấm cúng và hạnh phúc hơn. Nhàn thủ thỉ với Rết: “ Anh ơi! Người ta nói con mình dễ thương lắm, đôi mắt tinh anh, mặt mày xinh xắn. Nó bú mạnh lắm nghe anh, em mừng ghê…”. Từ đó, đêm đêm trong căn nhà tối om, người ta nghe âm thanh cối xay bột quay đều: “ Anh ạ! Mình chịu khó nấu rượu rế cơm bằng tấm vất vả hơn gạo nhưng sẽ kiếm được đồng lời nghe anh ”. Rồi đứa con gái thứ hai ra đời tên là Lưu Thị Ai Nhân năm 1993 giống cô chị, thông minh, chăm học. Nhà cửa, chuồng heo, vườn tược sạch sẽ, gọn gàng. Để cuộc sống vươn lên khá hơn thoát cơ cực, đói nghèo. Năm 1998, chị Nhàn nuôi heo nái, hơi thở đều đều của heo là niềm vui của chị, hai con heo nái một năm sinh bốn lứa trên 40 con heo con, bà con ai cũng trầm trồ khen ngợi “ Đàn bà mù như chị Nhàn sao mà giỏi giang quá”.. Khoai thơm chị trồng một năm thu hoạch trên ba trăm ký.
Mỗi viên men, ký thịt heo, củ khoai chị làm ra dường như đổ nhiều mồ hôi hơn người khác. Gian khổ là vậy nhưng chị Nhàn không vì khổ cực mà buồn giận chồng con.
Trong sinh hoạt bình thường có nhiều việc Nhàn thường đem lại ngạc nhiên không kém phần thú vị cho mọi người. Áo quần chồng con rách đem ra để trên đùi, chị xâu chỉ luồn kim trong vòng ba mươi giây. Dùng lưỡi xác định lỗ kim, đầu lưỡi vo cọng chỉ đưa vào lỗ kim, hai ngón tay kéo chỉ lôi ra, chị vá lại những dấu rách. Chị thản nhiên làm không hay biết mọi người nhìn chị với cặp mắt thán phục.
Số tiền bán heo con, gả heo nái, tiền gom trong thu hoạch trồng trọt. Anh chị tu sửa lại căn nhà. Ngày sửa nhà, con gái thấy chị lặng lẽ ngồi sau nhà, hai hàng nước mắt chảy dài, bèn sà vào lòng chị hỏi :“ Sao mẹ khóc, ai làm mẹ buồn hả?”. Chị nói trong thổn thức: “ làm được căn nhà ấm cúng như hôm nay mẹ quá mừng mà chảy nước mắt !…”.
Anh Lê Hoàng Quến, thương binh ¼, mù đôi mắt do chiến tranh, hiện chủ tịch hội Người Mù huyện Long Mỹ, Hạu Giang nhận xét:“ Huyện Long Mỹ chúng tôi có 132 hội viên mù, gia đình anh chị Nhàn là nhân vật điển hình tiêu biểu của huyện, để có một mái ấm như hôm nay, anh chị Nhàn đã vượt qua bao nghiệt ngã, tưởng chừng khó có ai kiên trì làm nổi, con cái được ăn học đàng hoàng, nhiều gia đình bình thường ở đây không bằng anh chị Rết”.
Chị Nhàn đã 50 tuổi, lúc này không còn thức đêm làm men, nấu rượu, xay bột… ngoài việc nuôi heo chị còn lo trông coi bán tiệm tạp hoá thu nhập sống qua ngày. Những đứa con của chị vừa đi học vừa tiếp mẹ mua bán hằng ngày.
Anh Rết lúc này đã 60 tuổi, anh là chi hội trưởng chi hội người mù ấp 5 xã Xà Phiên. Anh thường có mặt trong những đêm vui chơi đờn ca tài tử. Anh luôn hãnh diện có người vợ đảm đang, không mang gánh nặng cho xã hội, đồng thời biết ơn người vợ hiền đã ban tặng cho anh những đứa con ngoan hoà nhập cộng đồng, tạo cho gia đình hạnh phúc và tin yêu cuộc sống.

Không có nhận xét nào: