Thứ Tư, 24 tháng 10, 2007

Nghị lực của một người khuyết tật



Chị Bùi Thị Hồng Nga, Chủ tịch Câu lạc bộ Người khuyết tật Cần Thơ đã giành 1 trong 15 giải chính thức cuộc thi “Ngày sáng tạo Việt Nam” tại Hà Nội do Ngân hàng Thế giới tổ chức, được thưởng 10.000 USD để thực hiện dự án dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật tại Cần Thơ.


Đã 45 tuổi, đi lại bằng nạng gỗ nhưng trên khuôn mặt phúc hậu của chị luôn nở nụ cười trẻ trung và ánh mắt ấm áp thể hiện một nghị lực mạnh mẽ. Cơn sốt bại liệt lúc 8 tháng tuổi làm cho đôi chân trở nên tật nguyền, tuy nhiên, hồi nhỏ chị còn bước nhúc nhắc đến trường được dù đã phải dựa vào nạng gỗ. Năm 24 tuổi (1982), chị tốt nghiệp Đại học sư phạm Anh văn, đi dạy ở trường PTTH Nguyễn Việt Hồng, TP Cần Thơ. Đến năm 1989 thì hai chân teo hẳn sau một lần… mổ chân ở bệnh viện trên thành phố Hồ Chí Minh và phải về hưu non vì thiếu sức khỏe. Lúc đó, Hồng Nga đã nghĩ đến cái chết nhưng chị chưa thể chết là vì người thân, bạn bè. Suốt ngày âm thầm một bóng, chiếc radio là người bạn chân tình cùng chị sống trong những ngày khốn khó, chị không ngờ đó lại mở ra cho chị con đường đi vào cuộc sống mới: “Trao đổi thư từ với những người khuyết tật qua mục kết bạn. Dần dần “đứng dậy” tìm lại niềm vui cuộc sống”. Năm 1990, hạnh phúc lớn lao đến với chị, chồng chị là người đàn ông khỏe mạnh, biết cảm thông chia sẻ, ngoài việc làm vườn lo kinh tế gia đình anh còn giúp chị hòa nhập vào xã hội. Năm 1994, trở lại nghề mô phạm, mở lớp dạy Anh văn tại nhà, ngoài ra còn sáng tác thơ văn, chị đã đoạt giải 3 cuộc thi thơ chủ đề “Một thế giới, một tâm hồn” do tỉnh Cần Thơ tổ chức năm 1999. Tháng 12/2002, tham dự cuộc thi “lập dự án khởi nghiệp” của Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, đoạt giải khuyến khích…

Ngày 1/5/2001, được sự giúp đỡ của một số cơ quan, chị tổ chức cuộc họp thành lập Câu lạc bộ Người khuyết tật Cần Thơ có 20 hội viên. CLB đã được Sở LĐ-TB-XH Cần Thơ giúp đỡ.

Chiếc kiếng cận trên khuôn mặt bầu bĩnh, trông chị thật trong sáng. Chị Hồng Nga tâm sự:

- Từ khi thành lập CLB, với 5 triệu đồng do Sở LĐ-TB-XH Cần Thơ giúp, ngày 1/11/2002 chúng tôi lập tổ hợp sản xuất mỹ nghệ “Nhịp cầu” và đã lo được cho anh chị em khuyết tật đỡ đói khát. Còn với 10.000 USD của giải thưởng “Ngày sáng tạo Việt Nam” thì là món tiền mơ ước. Số tiền đó đã mở 3 khoá huấn luyện dạy nghề miễn phí, mỗi khoá huấn luyện 6 tháng, đào tạo được 38 học viên toàn NKT tại cơ sở sản xuất kinh doanh tại số 95A/4 ấp Thới Nhựt, xã An Bình ( Ninh Kiều, Cần Thơ). Đây là cơ sở dạy nghề duy nhất cho NKT ở Cần Thơ. Sau khi huấn luyện có tay nghề, chị tìm công ăn, việc làm cho các học viên. Liên hệ xin mở shop nhịp cầu tại siêu thị Coop Mark để bán và giới thiệu hàng mỹ nghệ do NKT làm.

Chị nỗ lực không biết mệt mỏi cùng với các nhà hảo tâm lo được 114 chiếc xe lăn và xe lắc tặng cho người khuyết tật, tặng 135 gậy cho người mù.

Tạo điều kiện để đa số NKT cơ sở Nhịp Cầu được đi tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh trong ngày Quốc tế NKT (3/12). Thể thao – Văn nghệ cơ sở Nhịp Cầu đã đóng góp tích cực đem về những thành công nhất định. Qua năm năm dự thi thể thao NKT toàn quốc và các nước bạn đã đoạt được 114 huy chương trong đó có 34 HCV. Về Văn nghệ tham dự 2 cuộc thi đoạt giải 2 và giải 3 toàn quốc, ngoài ra còn 7 cuộc giao lưu với các hội bạn.

Từ ngày đứng ra lo cho NKT chị đã đi tập huấn, hội thảo, hội nghị nhiều nơi trong và ngoài nước qua nhiều chủ đề dành riêng cho người Khuyết Tật hội nhập vào cuộc sống cộng đồng. Hồng Nga cũng là thành viên trong Ban trù bị chấp hành Hiệp hội sản xuất kinh doanh dịch vụ NKT Việt Nam tại Hà Nội.

Kết hợp nhiều tổ chức giúp học bổng cho học sinh nghèo, làm cầu, làm nhà. Giúp tiền trị bệnh cho NKT, xây nhiều nhà vệ sinh dành cho NKT, tổ chức đám cưới văn minh, tiết kiệm cho NKT. Tham gia nhiều cuộc thi, viết về nhiều dự án, được lãnh nhiều giải thưởng do các báo tổ chức. Ngoài ra chị đã kêu gọi nhiều tình nguyện viên người Hà Lan đến dạy sinh ngữ miễn phí , giúp cho công nhân NKT mở mang trí thức. Từ đó đến nay đã được 7 khoá, mỗi khoá 1 tháng.

Qua năm năm phụ trách chủ nhiệm “cơ sở nhịp cầu” thời gian không dài nhưng cũng lắm thăng trầm, những khó khăn mà chị phải đối mặt đó là không ổn định nơi ăn chốn ở cơ sở Nhịp cầu, mấy chục tay thợ gắn bó với cơ sở luôn lận đận, mà hầu hết là những người khuyết tật vận động cần có việc làm và chỗ ở ổn định sinh hoạt. Qua bao khó khăn đầy gian nan thử thách, giờ đây chị Hồng Nga đã vui mừng, tạm thời tạo dựng cơ sở Nhịp cầu có nơi ăn chốn ở ổn định.

Với một ý chí vươn lên mạnh mẽ, chị tạo dựng cho mình một tổ ấm hạnh phúc, bên cạnh đó, tâm niệm của chị là chăm lo đời sống những NKT có cùng cảnh ngộ như mình, tạo công ăn việc làm, hoà nhập cộng đồng.

Không có nhận xét nào: