Thứ Ba, 23 tháng 10, 2007

Vươn lên tìm chổ đứng


Cô gái hai chân co quắp, tay mân mê cọng dây chuyền vàng xinh đẹp, đôi mắt sáng
săm soi, môi nở nụ cười mãn nguyện tự tin, qua sản phẩm em làm hoàn tất vừa nói
lên tâm tư, nguyện vọng luôn cả ước mơ của em đối với cuộc sống.


Em là Nguyễn Thị Bích Ngọc, thợ vàng bạc đã tham dự kỳ thi xác định thợ bậc 4/7 khóa 1/2003 (nghề vàng bạc) của Tổng cục Dạy nghề Bộ Lao động -TBXH.

Nụ cười hiền lành, giọng nhỏ nhẹ, Bích Ngọc thố lộ: “Số phận không cho em nguyên vẹn đôi chân, để có được tay nghề như hôm nay em trải qua không biết bao nhiêu khó khăn nghiệt ngã. Từ nhà nuôi dưỡng đến nơi học nghề phải đi đoạn đường 4 km thời gian hơn 3 năm, lúc học chân không thể đạp cóc đèn được, nhiều lần thầy khuyên nên chọn một nghề khác hợp với khả năng bệnh tật của em. Với quyết tâm tạo cho mình có tay nghề, em đều đặn đến lớp không bỏ một buổi học nào. Niềm đam mê nghề nghiệp giúp em vượt lên mọi khó khăn bệnh tật, cuối năm 2003 em thi thợ bậc 5/7 nghề vàng bạc”.

Nguyễn Thị Bích Ngọc sinh năm 1984, bị cơn sốt bại liệt làm hai chân co quắp từ lúc em 5 tuổi. Cha mất sớm khi em chào đời chỉ được 15 ngày. Hiện ở cùng mẹ già 63 tuổi tại Nhà nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi không nơi nương tựa phường An Thới, TP Cần Thơ.

Cô Nguyễn Thị Minh Phương, Phó giám đốc nhà nuôi dưỡng cho biết: “Trước đây hai mẹ con Bích Ngọc không nhà cửa, hàng ngày bán chuối nướng trước bệnh viện 30 tháng 4. Do hoàn cảnh mẹ già, con tật nguyền, được bệnh viện giới thiệu đến ở “mái nhà” này vào năm 1998. Chúng tôi thấy Bích Ngọc thông minh sáng dạ, ham học hỏi, thương yêu mọi người nên tạo điều kiện cho em học nghề để sống và nuôi mẹ già. Và em đã làm được điều mong đợi của chúng tôi. Theo tinh thần của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cần Thơ, khi các cháu có nghề ổn định, tuổi từ 18 đến 20 thì ra đời về địa phương sinh sống. Cháu Bích Ngọc là một trong số những người đó”.

Bích Ngọc cố gắng học hỏi, chuyên sâu nghề vàng bạc để thành tay thợ lành nghề đồng thời ở lại trường dạy nghề, đem khả năng cống hiến cho Hội người khuyết tật, giúp các bạn cùng cảnh ngộ như mình có tay nghề hội nhập vào cuộc sống. Mơ ước của em là mong các nhà hảo tâm giúp cho em chiếc xe làm phương tiện đi lại dạy nghề, bớt đi phần vất vả.

Không có nhận xét nào: